Nụ cười những phụ nữ phải sống bằng mọi giá
Vượt lên đau đớn, nước mắt và sợ hãi. Vượt lên hoàn cảnh để sống, bằng mọi giá. Đó là suy nghĩ, là khẩu hiệu, là điều tâm niệm của những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo tại BV K Hà Nội.
Tình người trong gian khó
Bệnh viện K Hà Nội một ngày đầu hè nắng bức. Người phụ nữ mắt đỏ hoe cùng chồng lưu luyến tiễn một bà cụ già ra cổng. Chị choàng một chiếc khăn che mái đầu đã rụng sạch tóc, một tay len lén nhét tờ 100 nghìn vào chiếc túi xách của bà cụ. Chừng như phát hiện ra, bà cụ nằng nặc giúi lại tờ tiền cho chị… Hai người phụ nữ đẩy qua đẩy lại. Cảnh giằng co ấy diễn ra một lúc khá lâu. Cuối cùng, trước sự cương quyết của bà cụ, chị đành cầm lại tiền rồi ôm choàng lấy bà hôn chùn chụt vào má bà, nắm chặt bàn tay run rẩy của bà. Chiếc xe máy chở bà cụ đã đi khuất mà hai vợ chồng chị vẫn đứng nhìn theo mãi…
Người qua đường hẳn sẽ nghĩ họ là mẹ con, hay họ hàng. Ít ai ngờ họ chỉ là những bệnh nhân cùng điều trị tại Khoa Ngoại BV K Hà Nội.
Chị Đoàn Thị Loan khóc mừng nhận tin được xuất viện.
Người phụ nữ - chị Đào Thị Loan (quê Ninh Giang – Hải Dương) xúc động chia sẻ, bà cụ tên là Trần Thị Sùng – quê ở Thái Bình, năm nay 67 tuổi. Bà không phải là bà hay mẹ chị mà chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân cùng điều trị với chị tại BV K Hà Nội.
Bà Sùng quanh năm làm ruộng. Không có chồng, không có con, khi phát hiện mình mắc ung thư vú, bà đã định buông xuôi mặc cho số phận vì tuổi cũng đã già. Nhưng rồi các cháu động viên bà ra Hà Nội khám chữa. Đấu tranh tư tưởng mãi bà mới đồng ý, nhưng nhất quyết không muốn phiền lụy với con với cháu, thế là suốt ba năm nay, bà một thân một mình ở Hà Nội chữa chạy.
“Mình mới biết bà hai năm rồi từ ngày lên đây chữa bệnh. Nghe hoàn cảnh của bà, vợ chồng mình thương bà lắm, thỉnh thoảng giúp bà việc này việc kia. Một lần bác sĩ yêu cầu bắt buộc phải có người nhà vào làm thủ tục, bà cụ ngập ngừng nhờ. Hai vợ chồng mình tha thiết bảo: “Bà có việc gì thì chúng cháu đỡ hộ thì bà để chúng cháu giúp, chúng cháu cũng như con, như cháu bà, bà đừng ngại”… Cứ thế là bà khóc. Kể từ đấy, bà coi vợ chồng mình như con”.
Gia cảnh nhà chị Loan cũng không hơn gì. Chị tâm sự: “Ông trời giáng bệnh thì phải chịu. Dù nghèo mấy đi nữa, còn đôi bàn tay, còn hai con mắt, còn sức khỏe thì lại làm ăn được, cho nên vợ chồng mình quyết tâm chữa bệnh”.
Cuộc sống trong BV K suốt hai năm trời khiến chị thêm thương quý những người bệnh như mình. Chị bảo, dù mỗi người mỗi quê, nhưng coi nhau như người nhà. Bảo ban nhau những mẹo chữa bệnh, cầu mong nhau qua một ca mổ, an ủi nhau vài lời khi yếu lòng… Bữa cơm rủ nhau góp thức cùng ăn để miếng cơm ngon miệng hơn, cũng để san sẻ cho người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.
Như chị với bà Sùng, cũng từ những điều nhỏ nhoi ấy mà giây phút chia tay lưu luyến mãi.
Chị cho kể: “Bà sắp được mổ nên về quê “chạy tiền”. Từ đêm trước, hai bà con nằm tâm sự đã khóc với nhau rất nhiều, vậy mà trưa nay mình vẫn không kìm được nước mắt. Vợ chồng mình bàn nhau biếu bà trăm bạc đỡ đần bà khoản tiền tàu xe, đi lại. Chẳng nhiều nhặn gì mà bà kiên quyết không nhận. Đẩy qua, đẩy lại, bà còn gắt, còn quát vợ chồng mình, bảo: “Tao không sống vì tiền, nếu chúng mày nghĩ vì tiền thì đừng gọi điện cho tao nữa”.
Nghe bà nói thế, thì chị đành cầm tiền lại. Ngậm ngùi…
Cười cho quên đi tất cả
Chị Đoàn Thị Loan nói, các bệnh nhân ở đây đều hiểu rằng, đã chung sống với căn bệnh ung thư thì sống – chết chỉ như là bàn tay sấp ngửa. Mong manh lắm, đau đớn lắm. Nhưng dường như càng mong manh, càng đau đớn họ lại càng mạnh mẽ và hi vọng.
Đi qua ba tầng cầu thang và hành lang la liệt những người nằm, ngồi, đứng… vạ vật trong Khoa Ngoại BV K, chị Loan bảo những ngày đầu, bầu không khí ngột ngạt này khiến chị gần như khóc cả ngày. Nay thì những gương mặt hốc hác, mệt mỏi vì thuốc thang, lo lắng đã trở nên quen thuộc lắm với chị. Nhiều người xa lạ, chị không biết tên, nhưng gặp vẫn gật đầu chào hay hỏi han đôi câu. Bản thân chị cũng là “người trong cuộc”, chị vẫn không nén được thở dài, xót xa cho những người đồng cảnh ngộ.
Người bệnh góp thức ăn chung ngay tại một góc hành lang bệnh viện. Nhờ những bữa ăn như thế, họ được sẻ chia, đùm bọc rất nhiều.
“Mỗi ngày chứng kiến những người bệnh mới, sợ hãi, hoảng loạn, khóc lóc là gan ruột mình như thắt lại. Người dưng với nhau thật, nhưng đồng cảnh bị bệnh tật giáng xuống nên trong này, ai cũng biết cảm thương, chia sẻ cùng nhau!”.
Những bữa cơm của người bệnh
Chiếc “giường” của chị Loan là cái giường gấp ọp ẹp đặt trước cửa phòng bệnh. Lúc chị lên đến nơi, đang có ba người vừa nằm, vừa ngồi trên giường. Đang giờ ăn trưa, có người cặm cụi ăn, có người đã kịp ngả lưng chợp mắt. Không gian phòng bệnh bức bối nhưng ai nấy đều chẳng để tâm. Tất cả đã là thực trạng quen thuộc mà mọi người cùng biết thích nghi.
“Khoa điều trị ngoại trú lúc nào cũng trong tình trạng chật cứng, quá tải. Nhiều khi bệnh nhân mong một chỗ để mà trải chiếu đặt lưng cũng không có. Muốn có chỗ ngồi yên ổn để truyền nhiều lúc phải tìm chỗ ra gần nhà vệ sinh, hay góc cầu thang để ngồi cho yên thân…” chị Loan khe khẽ nói.
Nhưng cũng chính trong hoàn cảnh này, tình cảm giữa những người bệnh nảy nở và mỗi ngày thêm thân thiết. Chị bảo: “Mọi người ở đây mỗi người một quê, xa nhất có Lạng Sơn, Yên Bái. Gần thì Hải Dương, Hưng Yên… Vào đến đây rồi thì câu chuyện câu trò, an ủi, động viên nhau là thành người quen, người thân cả. Chính bản thân mình hồi mới lên lạ nước lạ cái cũng được mọi người bao bọc từng li từng tí…”.
Rồi xúc động, chị nhớ lại từ những ngày vật vờ chầu chực chờ nhập viện của mình. Người mỏi mệt, lại chẳng chuẩn bị được chu đáo đã mệt được các chị, các bác cho nằm nhờ giường, cho mượn từ cái cặp lồng đến cái xô múc nước, cái khăn rửa mặt: “Mọi người ở đây không ai tiếc ai điều gì cả. An ủi được câu nào, chia sẻ được câu nào là chia sẻ. Chúng tôi còn bảo nhau cứ phải cười cho quên đi tất cả vì bệnh tật thật đấy, nhưng nếu không lạc quan thì thuốc thang ăn uống vào cũng chẳng hơn thua gì được. Còn như lạc quan, cười lên thì mới có hi vọng chữa chạy, dù sống thêm một ngày cũng là quý rồi!”.
Cứ như vậy, nụ cười và tình người là những liều thuốc quý giá trong hành trang của những bệnh nhân nơi đây. Những liều thuốc mà chỉ có TÌNH NGƯỜI mới mang lại được cho nhau, và chỉ trong cơn nguy nan, hiểm nghèo người ta mới thấy được và chân quý.