Nỗi sợ ung thư 'lớn hơn bao giờ hết'
Nhiều nhà khoa học Mỹ cho rằng nỗi sợ ung thư của con người hiện lớn hơn bao giờ hết, mặc dù thế giới đã có nhiều tiến bộ y tế trong cuộc chiến điều trị.
Hiệp hội Ung thư Mỹ (NCI) ghi nhận số ca tử vong do ung thư giảm gần một phần ba kể từ năm 1991, đến nay. Tuy nhiên, nỗi sợ ung thư không giảm. Thực tế, các chuyên gia nhận định nỗi sợ ung thư trong tâm lý người dân hiện lớn hơn bao giờ hết.
Theo Jessy Levin, chuyên gia tâm lý tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering, một phần lý do là người dân đã cởi mở hơn nhiều khi nói về bệnh của mình, bao gồm ung thư. Các nỗi sợ của người bệnh thường liên quan đến việc điều trị và tác dụng phụ của nó, nỗi đau khi trải qua cuộc chiến đơn độc, việc tái phát ung thư, vô sinh và cả cái chết. Nhờ những tiến bộ y học, dù không còn là nguyên nhân gây chết người lớn nhất, ung thư vẫn là căn bệnh đáng sợ nhất. Nhiều người gọi nó là "kẻ thù hung dữ, khó lường và không thể tiêu diệt".
Ung thư từng được coi là án tử, đây không phải nỗi sợ vô lý trước khi các phương pháp điều trị hiện đại phát triển. Từ năm 1975 đến nay, tỷ lệ sống sót sau 5 năm của ung thư tinh hoàn và ung thư vú tăng 15%, theo báo cáo của NCI. Tỷ lệ sống sót của ung thư nói chung sau 5 năm là hơn 69%, so với khoảng 50% vào năm 1975.
Một số liệu pháp miễn dịch và thuốc ung thư mới không gây nhiều tác dụng phụ như trước đây, loại trừ được tình trạng buôn nôn, nôn mửa và rụng tóc. Đây là lý do các chuyên gia và những người sống sót sau ung thư đều cho rằng việc tìm hiểu kỹ về căn bệnh có thể kiềm chế nỗi sợ.
"Nỗi sợ ung thư của con người không theo kịp những tiến bộ mà y học đã đạt được trong những thập kỷ gần đây", David Ropeik, tác giả cuốn sách "Curing Cancerphobia: How Risk, Fear and Worry Mislead Us", nhận định, thêm rằng hai phần ba trong số 200 loại ung thư đã điều trị được như một tình trạng mạn tính hoặc chữa khỏi hoàn toàn, nhưng con người không tin vào điều đó.
Minh họa một người trong quá trình điều trị ung thư, bị tác dụng phụ rụng tóc. Ảnh: Pexel
Do những nỗi sợ vô hình, người bệnh dễ lựa chọn các liệu pháp y tế không cần thiết, chẳng hạn cắt bỏ hoặc xạ trị ung thư tuyến tiền liệt dù bệnh phát triển chậm và không triệu chứng. Một số người phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn vú khi khối u chưa lan rộng.
Ropeik cho rằng sự thiếu nhận thức, kiểm soát hoặc bất lực đối với khái niệm ung thư khiến mọi thứ tồi tệ hơn. "Khi chúng ta không biết làm gì, chúng ta sẽ sợ hãi hơn. Ung thư in sâu vào tâm trí như một điều không thể kiểm soát", ông giải thích.
Trong hai thập kỷ qua, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều phương pháp để phòng tránh ung thư. Ví dụ với thuốc lá, nghiên cứu cho thấy người bỏ thuốc có thể giảm 17% nguy cơ mắc ung thư và các bệnh khác. Như nguy cơ ung thư phổi thấp hơn 42%, ung thư gan thấp hơn 27%, ung thư dạ dày thấp hơn 14%, ung thư đại trực tràng thấp hơn 20%, so các bệnh khác.
Các nghiên cứu cũng phát hiện chế độ ăn lành mạnh (ít thịt đỏ, thực phẩm chế biến, nhiều rau, ngũ cốc nguyên hạt và cá) có thể giảm tỷ lệ mắc ung thư.
Thực tế, chứng sợ ung thư có thể dẫn đến sàng lọc, chẩn đoán và điều trị quá mức. Người bệnh đôi khi lựa chọn phương pháp điều trị chủ động, thậm chí rủi ro hơn về mặt y tế.
Nguồn: [Link nguồn]
Hải Dương - Khi phát hiện ung thư dạ dày di căn gan, chị Trịnh Thị Mai nhận tiên lượng chỉ "sống 6 tháng", nhưng hơn 10 năm trôi qua chị vẫn khỏe.