Nở rộ dịch vụ mang thai hộ trên mạng

Sau một năm quy định về điều kiện mang thai hộ (MTH) vì mục đích nhân đạo được thực thi, cả nước có gần 100 bộ hồ sơ được phê duyệt.

Nở rộ dịch vụ mang thai hộ trên mạng - 1

Nhu cầu tìm người MTH và nhận MTH được công khai tìm kiếm tràn lan trên mạng

Luật quá khắt khe

Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (IVF) và điều kiện MTH vì mục đích nhân đạo, chính thức có hiệu lực từ ngày 15/3/2015. Theo đó, những cặp vợ chồng hiếm muộn phải mất từ 6 tháng đến hơn 1 năm chờ xét duyệt hồ sơ mới có cơ hội được phép cho MTH. Ngoài ra, việc nhờ người MTH phải là người thân thích cùng họ hàng của bên vợ hoặc bên chồng thì mới được nhờ MTH. Chính vì quy định khắt khe, nên rất nhiều cặp vợ chồng không thể đáp ứng được tất cả các thủ tục, buộc họ phải tìm đến các “dịch vụ” đẻ thuê tràn lan trên mạng.

Lấy nhau hơn 7 năm, nhưng mãi không có con, hai lần thực hiện IVF không thành công do bị bệnh lạc nội mạc tử cung, chị M. (Bắc Giang) vất vả “lao” vào hoàn tất các thủ tục pháp lý nhờ người MTH. Chút tâm huyết, mong mỏi cuối cùng dồn vào cơ hội được xét duyệt hồ sơ, thế nhưng cơ quan chức năng sau một hồi thẩm định lại kết luận: Không đủ tiêu chuẩn!

“Thực hiện các thủ tục hành chính, hồ sơ giấy tờ rất lằng nhằng và tốn kém. Phải hoàn tất rất nhiều cam kết cùng các giấy tờ khác nhau. Sau khi hoàn tất hồ sơ tại trung tâm, mình về địa phương xin xác nhận nhưng họ nói chưa có người hướng dẫn nên không ký được. Bởi người MTH giúp mình không phải họ hàng thân thích, hơn nữa ở địa phương rất nhiều người không nắm được các quy định về MTH nên họ “không dám liều” để làm giấy xác nhận…”, chị M. chia sẻ.

Tương tự, chị V. (Yên Thành, Thanh Hóa) cho biết: “Tìm một người thân thích trong gia đình để nhờ MTH rất khó khăn, đặc biệt là với những người ở quê như tôi càng khó, bởi chính sách này hầu như ở quê mọi người ít biết dù có tìm được cũng bị từ chối, người thương tình đồng ý thì có vấn đề về sức khỏe. Chưa tính đến việc tìm được người đủ điều kiện, phù hợp để MTH lại vô cùng khó khăn bởi thủ tục pháp lý rất lằng nhằng và mất nhiều công sức”.

Cung - cầu tìm nhau trên mạng

Trong vai là người đang có nhu cầu cần tìm người MTH, PV Báo Giao thông tìm đến một vài fanpage và diễn đàn MTH trên mạng. Tại đây, PV vô cùng bất ngờ vì có quá nhiều người tìm đến “dịch vụ” MTH.

Chia sẻ trên mạng xã hội, một người có nick Facebook ẩn danh, quê ở TP Bắc Ninh chia sẻ: “Vợ mình bị suy buồng trứng và tử cung có vấn đề nên không thể mang thai được. Mình sẽ thực hiện phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào tử cung). Chuyện tiền bạc theo giá chung mà mình tìm hiểu là 150 triệu đồng, nuôi ăn, ở 9 tháng cho đến khi sinh, sinh xong không phải nuôi và sau sinh sẽ được thuê người chăm sóc cẩn thận. Sau khi xong việc sẽ không còn liên quan và làm phiền cuộc sống của nhau nữa. Có hợp đồng và luật sư, khi đồng ý thực hiện, mình sẽ gặp để nói chuyện và trao đổi phương thức nhận tiền ngay sau khi bạn có thai. Xin hãy inbox với mình”.

Có người còn thẳng thắn đặt vấn đề: “Mình ở TP Vinh, Nghệ An. Cần người MTH bằng phương pháp IVF (thụ tinh trong ống nghiệm). Ai giúp được inbox giúp nhé. Kinh phí mình gửi 300 triệu đồng, nuôi ăn ở và mọi chi phí trong suốt quá trình mang thai. Cảm ơn mọi người”.

Tỏ rõ hoàn cảnh khó khăn, một số người còn chủ động liên hệ với người có nhu cầu mua trứng, MTH với mong muốn “giúp người và cũng giúp mình”: “Mình đang cần gấp một khoản tiền trả nợ, nên chấp nhận MTH cho cặp vợ chồng hoặc anh, chị nào cần. Mình 28 tuổi, sức khỏe tốt, hiện tại mình đã có 3 bé gái, sinh thường. Ai có nhu cầu thì liên lạc với mình: 091211xxxx…”.

Có cầu ắt có cung, “cò” dịch vụ MTH cũng công khai rầm rộ. Lần theo địa chỉ của “cò”, tôi bấm máy, đầu dây bên kia một phụ nữ nói giọng miền Nam cho biết, chị dắt mối cho cả trong Nam, ngoài Bắc, thậm chí có thể giới thiệu sang nước ngoài với kinh phí từ 150 - 500 triệu đồng/lần MTH. “Có nhiều hình thức lắm, phần lớn đều thụ tinh trong ống nghiệm hoặc bơm tinh trùng. Chi phí giới thiệu thì “tùy tâm” em trả chị bao nhiêu cũng được, quan trọng là chị rất muốn giúp những người hoàn cảnh như em…”, người phụ nữ nhanh nhảu nói.

Rủi ro khó lường

Chấp nhận thuê người MTH “chui” với giá 250 triệu đồng, chị T. (Thanh Trì - Hà Nội) ngậm ngùi kể: “Khi hai vợ chồng gọi điện thỏa thuận giá cả với N. (người đồng ý MTH) bằng phương pháp IVF. N. đồng ý nhưng yêu cầu được ứng trước tiền để gửi mẹ trông con giúp để lên thực hiện hợp đồng với vợ chồng tôi, tôi đã đồng ý chuyển trước cho N. 3 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền xong, lúc đầu còn liên lạc được, mấy ngày sau thì N. tắt máy, khóa nick facebook từ đó bặt vô âm tín…”.

Thực tế, có rất nhiều trường hợp cả người MTH và người nhờ MTH gặp rủi ro khi thực hiện thỏa thuận. Bởi phần lớn, giao dịch của họ đều thực hiện trên email vàmạng xã hội hoặc sim rác. Chính vì vậy, khả năng “bị hớ”, lừa đảo tiền dịch vụ rất dễ xảy ra và khó có khả năng lấy lại được những gì đã mất. “Vì mình thực hiện “chui” nên không dám báo công an, chả khác gì “lậy ông tôi ở bụi này”… Chính vì thế, cần cảnh giác hơn”, chị Nguyễn Thị L. (Bắc Ninh) chia sẻ.

Cần luật hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân

Trao đổi với Báo Giao thông, Luật sư Trịnh Anh Dũng, Trưởng văn phòng Luật sư Trịnh tại Hà Nội cho biết: MTH là một bước phát triển tích cực, khoa học và nhân văn cả về pháp lý lẫn về mặt y tế. Tuy nhiên việc nhờ người MTH và nhận MTH theo hình thức “chui” là vi phạm pháp luật hiện hành thuộc Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, thông qua các Điều 94, 95, 97, 98 và Điều 100 của Nghị định số 10/2015/NĐ-CP.

Tuy nhiên, theo Luật Hôn nhân và gia đình thì mới chỉ có quy định bồi thường thiệt hại về dân sự và trách nhiệm hình sự, chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến các quy định về MTH. Do đó, trong thực tế vẫn có nhiều bất cập xảy ra. Đặc biệt, đối với những trường hợp có tranh chấp liên quan đến vấn đề MTH xảy ra trước khi luật có hiệu lực (Tranh chấp về xác định cha mẹ cho con, quyền của cha mẹ đối với con, tranh chấp thừa kế…).

Theo đó, Luật sư Dũng cũng chia sẻ, trong Luật Hôn nhân và gia đình, trên thực tế có nhiều quy định vẫn chưa được cụ thể hóa (như Thông tư hướng dẫn Nghị định 10/2015/NĐ-CP, Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực MTH). Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng luật hóa, ban hành để Luật và Nghị định đi vào thực tế một cách nhanh nhất, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Dung (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN