Những tác dụng nổi bật của trái vải

Trái vải có những đặc tính kháng ung thư vô cùng mạnh mẽ nhờ vào nguồn hợp chất polyphenol dồi dào

Mùa hè là thời gian lý tưởng để nhâm nhi nhiều loại trái cây và vải nằm trong số những trái ngon và bổ không thể bỏ qua. Vải là loại trái cây quý với “ngoại hình” đỏ thắm như dâu tây, bên trong là thịt mềm màu trắng đục. Giữa trưa hè nóng nực mà được tận hưởng hương vị ngọt ngào, thơm tho của trái vải thì thật chẳng có gì sướng bằng.

Ngoài hương vị “hết chỗ chê”, loại trái cây này còn có giá trị dinh dưỡng và y học vô cùng độc đáo, gồm:

Kháng ung thư

Thịt của trái vải chứa nhiều hợp chất flavonoid và các chất kháng ôxy hóa. Những chất này có chức năng kháng ung thư. Đối với những bệnh nhân ung thư đang được hóa trị liệu (chemotherapy) thì trái vải còn có tác dụng bảo vệ cơ thể trước những tác động có hại của phương pháp điều trị này. Nhiều nghiên cứu được thực hiện trên chuột cho thấy phần vỏ của trái vải có chức năng ức chế sự tăng trưởng của những tế bào ung thư vú cũng như ức chế sự hình thành các khối ung bướu. Sở dĩ trái vải có những đặc tính kháng ung thư vô cùng mạnh mẽ là nhờ vào nguồn hợp chất polyphenol dồi dào có trong trái vải.

Điều hòa huyết áp

Potassium (kali) là một loại khoáng tố cần thiết mà cơ thể cần để kiểm soát huyết áp. Hiệp hội Tim mạch Mỹ đề nghị rằng những người có huyết áp cao nên ăn những loại thực phẩm giàu kali như trái vải. Một chén vải có thể cung cấp cho cơ thể khoảng 325 mg kali, tức khoảng 9% lượng kali được đề nghị cho cơ thể mỗi ngày. Bên cạnh đó, trái vải là một loại trái cây có hàm lượng sodium (natri) vô cùng thấp, vì vậy đây là loại thức ăn lý tưởng cho việc điều hòa, kiểm soát huyết áp.

Ngăn ngừa các bệnh

Trong các loại trái cây có đặc tính kháng ôxy hóa thì trái vải được xếp thứ 2 chỉ sau dâu tây. Chất ôxy hóa là những “hiệp sĩ” tả xung hữu đột chống lại các gốc tự do vốn gây ra những bất ổn cho tế bào trong cơ thể. Thịt trái vải có nhiều hợp chất flavonoid có vai trò cải thiện chức năng mạch máu và ngăn ngừa những bệnh về tim mạch. Trái vải còn chứa một hợp chất vô cùng quý giá là oligonol (R) giúp cho tim khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, do chứa hàm lượng vitamin C cao nên vải còn có chức năng bảo vệ tim. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy những người thường xuyên ăn vải sẽ giảm được tần suất rủi ro nhồi máu cơ tim.

Những tác dụng nổi bật của trái vải - 1

Trái vải được xem là một “nhà máy” sản xuất ra các loại vitamin Ảnh: Hoàng Triều

Chứa calorie thấp

Nếu bạn đang thực hiện những chế độ dinh dưỡng nhằm giảm cân thì bạn đừng quên trái vải. Một chén vải chỉ cung cấp cho bạn 125 calories đồng thời giúp bạn giảm sự thèm ngọt. Thịt quả vải chứa hàm lượng chất béo không đáng kể lại có nhiều chất xơ. Một chén vải cung cấp cho cơ thể 2,5 g chất xơ vốn rất có lợi cho quá trình thực hiện giảm cân.

Giàu vitamin

Trái vải được xem là một “nhà máy” sản xuất ra các loại vitamin. Ngoài vitamin C, vitamin E, vitamin K..., thịt trái vải còn chứa nhiều vitamin B6. Chỉ cần một nắm trái vải thì bạn có thể “kiếm thêm” được 10% hàm lượng vitamin B6 cần thiết cho mỗi ngày dễ như trở bàn tay. Vitamin B6 tham gia vào một số tiến trình của cơ thể như tiêu hóa, phân hủy thức ăn, tham gia vào quá trình tạo hồng cầu và giúp cơ thể chống viêm.

Tăng cường miễn dịch

Một chén vải chứa khoảng 135 mg vitamin C. Đây là hàm lượng vitamin C tương đối cao. Một trong những chức năng “ăn tiền” của vitamin C là tăng cường khả năng miễn dịch và “phòng thủ” cho cơ thể. Giúp cơ thể chống chọi với bệnh tật, nhất là các bệnh cảm, cúm...

Tạo làn da rạng ngời

Mùa hè là mùa “đáng sợ” của làn da, nó khiến da dễ nổi mụn và đốm do da tiết nhiều chất nhờn cùng với bụi bẩn ngoài đường. Ngoài việc làm sạch, nuôi nấng da từ bên ngoài, bạn cũng cần nuôi dưỡng da từ bên trong bằng chính trái vải. Các chất chống ôxy hóa trong trái vải sẽ giúp da khỏe mạnh hơn, loại bớt những nếp nhăn, tạo cho làn da nét trẻ trung hơn.

Chất giảm đau thiên nhiên

Nhờ giàu hợp chất flavonoid, trái vải còn có tác dụng như một chất giảm đau do có khả năng chặn đứng quá trình viêm cũng như ngăn chặn sự tổn hại các mô trong cơ thể.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo DS Nguyễn Bá Huy Cường (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN