Những bệnh nền khiến trẻ em dễ trở nặng khi mắc COVID-19

Sự kiện: Vắc-xin COVID-19

Ngoài đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính hay ung thư, béo phì, thừa cân... (như người lớn) trẻ em khi mắc một số bệnh này có thể trở nặng nếu nhiễm COVID-19.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) khẳng định trẻ em vẫn có thể mắc và lây bệnh COVID-19 cho người khác. Bên cạnh đó, theo TS Rochelle Walensky, Giám đốc CDC Mỹ, dù trẻ em có nguy cơ tử vong do COVID-19 thấp hơn nhiều so với người lớn, thì COVID-19 vẫn là căn bệnh gây tử vong cho trẻ em cao hơn các bệnh truyền nhiễm khác, như bệnh bại liệt, sởi, bạch hầu, những căn bệnh mà trẻ vốn đã được được tiêm vắc-xin từ bé. Thông tấn xã Việt Nam hôm 16/10 phát đi thông tin này. 

Một báo cáo của Bộ Y tế đầu tháng 10 nêu rõ, trong các ca COVID-19 ghi nhận được ở nước ta, tỷ lệ mắc của nhóm tuổi từ 0-18 là khoảng 16%, tỷ lệ tử vong trong nhóm tuổi này (trong tổng số ca tử vong) là hơn 0,3%. 

TS.BS Phan Hữu Phúc, Khoa Điều trị tích cực nội khoa – Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, tuy hầu hết trẻ em nhiễm COVID-19 chỉ ở thể nhẹ, một số trẻ vẫn có thể bị diễn biến nặng, đặc biệt với những trẻ có các bệnh nền hoặc trẻ nhỏ, do sức đề kháng yếu, hệ thống miễn dịch ở trẻ cũng chưa phát triển đầy đủ.

Tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch COVID-19.

Tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch COVID-19.

Trong Quyết định hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà Bộ Y tế ban hành hồi tháng 8/2021, có 19 bệnh nền có nguy cơ làm gia tăng mức độ nặng khi mắc COVID-19. 

Ngoài đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính hay ung thư, bệnh mãn tính, béo phì, thừa cân... (như người lớn) trẻ em khi mắc các bệnh: Tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh hoặc mắc phải, cũng có thể tăng nặng nếu bị COVID-19.   

PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc thuộc Bệnh viện Nhi Đồng 1, nơi từng điều trị thành công cho nhiều trẻ béo phì mắc COVID-19, cho hay theo thống kê trẻ em mắc COVID-19 hầu hết là không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, có thể theo dõi và điều trị tại nhà. Chỉ có khoảng dưới 2% có triệu chứng nặng và thường là ở trẻ có bệnh lý nền nặng hoặc trẻ dư cân, béo phì. Đặc biệt trẻ dư cân, béo phì khi mắc COVID-19 thường dễ diễn tiến nặng với suy hô hấp và tổn thương các cơ quan.

Cũng theo PGS Quang, các nghiên cứu gần đây trên thế giới cho thấy dư cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của bệnh COVID-19 nặng. Nó tăng nguy cơ nhập viện, suy hô hấp nặng, thở máy và tử vong. Nguyên nhân có thể do tăng phản ứng đáp ứng viêm, phản ứng tăng đông quá mức ở bệnh nhân dư cân béo phì đối với SARS-CoV-2 và tình trạng béo phì cũng gây hạn chế chức năng hô hấp làm trẻ dễ suy hô hấp hơn. 

CDC Hoa Kỳ, WHO khuyến cáo gì về tiêm vắc-xin cho trẻ?

Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chưa cấp phép cho bất kỳ vắc-xin COVID-19 nào để tiêm cho người dưới 18 tuổi. Nhóm Chuyên gia cố vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của WHO đã xác nhận vắc-xin của Pfizer phù hợp để sử dụng cho những người từ 12 tuổi trở lên. Trẻ em từ 12-15 tuổi có nguy cơ cao có thể tiêm vắc-xin này cùng với các nhóm ưu tiên khác.

Các thử nghiệm vắc-xin cho trẻ em đang được tiến hành và WHO sẽ cập nhật khuyến nghị của mình khi có bằng chứng hoặc tình hình dịch tễ cho thấy có sự thay đổi trong chính sách.

CDC Hoa Kỳ khuyến cáo tiêm vắc-xin cho nhóm từ 12 tuổi trở lên để giúp trẻ giảm nguy cơ mắc COVD-19, ngăn ngừa bệnh lây lan, không trở nặng.

Thực tế tại nhiều nước đã chứng minh việc tiêm phòng cho trẻ em có tác dụng giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh và ngăn các biến thể phát triển. 

Kết quả nghiên cứu với 2.200 trẻ em Mỹ ở nhóm tuổi 12-15, trong đó một nửa được tiêm vắc-xin của Pfizer, cho thấy không có ai trong nhóm này mắc COVID-19 sau khi tiêm; trong khi có 16 trẻ em trong nhóm không tiêm vắc-xin ghi nhận mắc bệnh sau đó. Kết quả thử nghiệm vắc-xin của Moderna ở 3.732 trẻ em nhóm tuổi này cũng cho thấy khả năng đáp ứng miễn dịch ở trẻ từ 12-17 là tương tự như khi tiêm ở người trưởng thành. 

Đưa trẻ đi tiêm chủng các loại vắc-xin khác để tăng cường hệ miễn dịch

Chuyên gia Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo: Các bậc phụ huynh cần chú ý chăm sóc trẻ tại nhà, tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho trẻ như: Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý để tăng cường sức đề kháng; Tuân thủ 5K, hạn chế tiếp xúc.

Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, nhà cửa thông thoáng, lau chùi thường xuyên các vật dụng trong nhà và đồ chơi của trẻ, vệ sinh tay cho trẻ thường xuyên.

Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng để kiểm soát đại dịch. Ngoài vắc-xin COVID-19 sẽ được tiêm khi có quyết định cụ thể của Bộ Y tế (về thời gian tiêm, loại vắc-xin sẽ tiêm), các chuyên gia khuyến cáo cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin khác theo đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.

Về việc tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tại kỳ họp thứ ba, HĐND TPHCM khóa X vào sáng 19/10, khẳng định lãnh đạo TP thống nhất thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhưng giữ nguyên "nguyên tắc tự nguyện", tôn trọng quyết định của phụ huynh. Thành phố sẽ tập trung tiêm vắc-xin cho các cháu có nguy cơ như béo phì, bệnh nền để giảm rủi ro khi mở cửa trường học.

Nguồn: [Link nguồn]

Hướng dẫn cách ly phòng, chống dịch COVID-19 đối với trẻ em

Nhiều học sinh ở Phú Thọ đã nhiễm COVID-19. Để đảm bảo điều kiện sinh hoạt an toàn, thuận lợi cho trẻ em trong thời...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoà An ([Tên nguồn])
Vắc-xin COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN