Nến, hương nhang càng thơm, càng độc hại

Các chuyên gia hóa học cảnh báo, các sản phẩm nến, hương nhang càng thơm sẽ càng gây hại cho sức khỏe.

Năm hết, Tết đến cũng là dịp nhiều gia đình tăng mua, sử dụng các loại hương nhang, nến để thắp trên bàn thờ cúng Tổ tiên. Tuy nhiên, các chuyên gia hóa học cảnh báo, các sản phẩm này càng thơm sẽ càng gây hại  cho sức khỏe.

Nến, hương nhang càng thơm, càng độc hại - 1

Nến cốc càng thơm càng độc hại.

Hương tẩm hóa chất có thể gây mờ mắt, ung thư

Chị Minh Anh, chủ một cửa hàng chuyên bán đồ thờ cúng trên phố Trần Xuân Soạn, Hà Nội, chỉ tay vào mấy túi hương trầm truyền thống nằm tít trên giá hàng, cho hay: “Loại đó tiêu thụ được ít lắm vì mọi người vẫn chê đắt, hương thơm nhẹ và không đậu được tàn nhang đẹp. Do vậy, lượng hàng nhập về bán Tết đợt này của mình chủ yếu là hương thơm, đậu tàn”.

Ông Mai Đức Hiểu, Giám đốc Công ty TNHH Hương trầm Đức Hiểu cho biết, loại hương truyền thống thường sử dụng thảo mộc như trầm hương, hương bài, bã mía, thảo quả, quế chi, hoa hồi… Tuy nhiên, loại hương này không đậu được tàn và hay ẩm mốc nếu bảo quản không đúng cách.

Cũng theo ông Hiểu, nhiều năm nay có tình trạng một số cơ sở sản xuất hương tẩm hóa chất axit photphoric vào tăm hương để giữ tàn, tẩm butyl cellosolve tránh mốc, hay chất cháy kali nitrat để hương bắt lửa nhanh; Thậm chí, còn tẩm nhiều loại hóa chất khác để tàn hương có nhiều màu sắc như đỏ, trắng; sử dụng hương liệu hóa chất tổng hợp để thay thế hương liệu thảo mộc... Chính vì vậy trên thị trường xuất hiện hương nhang với nhiều mùi thơm như ngâu, nhài, hoa hồng… “Đã tẩm hóa chất thì ít nhiều hương nhang sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”, ông Hiểu nhận định.

Trao đổi với PV, ông Đào Quốc Hương, Trưởng phòng Hóa Hữu cơ (Viện Hóa học) phân tích, những hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất hương nhang như hiện nay rất độc hại. Đáng lưu ý, các loại hương nhang thường được đốt trong không gian nhỏ hẹp, chất khí được sinh ra sẽ có chất P2O5. Chất này tồn tại trong không khí, có thể tác động lên hệ hô hấp gây khó thở, tác động lên giác mạc gây ngứa mắt…

Đó là nguyên nhân khiến nhiều người có biểu hiện chảy nước mắt, ho sặc sụa khi đi đền, chùa gặp khói hương đốt dày đặc... Nếu tiếp xúc thường xuyên, lâu dài sẽ làm mắt ngày càng mờ, thị lực giảm, thậm chí, chất độc từ hương sẽ tích lũy dần dần, có thể dẫn đến ung thư.

Hạn chế dùng trong không gian kín, chật hẹp

Anh Nguyễn Tiến Dương, chủ một cơ sở sản xuất nến bộc bạch: “Về cơ bản nến được làm từ sáp parafin nên ít nhiều cũng chứa chất độc hại. Tuy nhiên, trong sản xuất chúng tôi cố gắng sử dụng parafin tinh khiết, nguyên chất nhằm hạn chế tối đa chất độc hại đó”.

“Với các loại nến trắng sử dụng parafin tinh khiết, nếu không sử dụng liên tục, thường xuyên thì không ảnh hưởng đến sức khỏe con người”, ông Trần Sung, nguyên Viện trưởng Viện Hóa học cho biết. Tuy nhiên, theo ông Trần Sung, nguy hại hơn khi hiện có nhiều loại nến thơm mà chủ yếu là sử dụng hóa chất hương liệu tổng hợp để tạo hương. “Nến càng thơm sẽ đồng nghĩa càng nhiều hóa chất. Đã là hóa chất thì sử dụng ít hay nhiều đều độc hại”, ông Sung khuyến cáo.

Tác hại thường thấy của việc lạm dụng hương thơm là có thể gây kích phát các cơn hen (suyễn) cấp, đặc biệt là đối với những người có tiền sử dị ứng hương liệu, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính… nhất là khi tiếp xúc với các sản phẩm có mùi thơm tổng hợp từ hóa chất”.

BS. Chu Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai

Ông Sung cũng cho biết thêm, nguyên nhân gây độc của nến còn nằm ở bấc lõi chì, giữ bấc đứng, lửa cháy đều, không tắt. Khi nến cháy, chì sẽ phát tán vào không khí dưới dạng muội.

Người dùng thường xuyên, hít nhiều khói nến sẽ bị nhiễm độc chì dẫn đến tích tụ chất độc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể gây chảy máu chân răng, đen chân răng, viêm lợi, ảnh hưởng đến cả đường ruột, gây viêm ruột, rối loạn tiêu hóa…

Theo bật mí của anh Dương, “vì ưu điểm giữ bấc đứng vững, nên khi sản xuất nến cốc, 100% cơ sở đều sử dụng loại bấc lõi chì”. “Người tiêu dùng nên cẩn trọng khi lựa chọn sử dụng dòng nến thơm và nến cốc, nên tìm đến các cơ sở có chất lượng”, anh Dương khuyến cáo.Còn theo chỉ dẫn của ông Đào Quốc Hương, với hương nhang hay nến thơm có tẩm ướp hương liệu hóa chất tuyệt đối không nên sử dụng thường xuyên, liên tục trong không gian kín, chật hẹp.

Chia sẻ cách lựa chọn loại hương an toàn, ông Hiểu lưu ý, hương thơm tự nhiên, nhẹ nhàng, cháy đều và lâu hơn; Khi thắp, hương thường ít khói, ít cuộn hoặc không cuộn tàn, tàn dễ bị rụng. Khi châm lửa, hương sẽ lâu cháy hơn, hương cũng dễ bị mốc, dễ bị mất mùi thơm nếu không cẩn trọng khi bảo quản.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Anh (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN