Mất mạng vì biến độc dược thành "thần dược"
Nhiều người lầm tưởng dây thuốc cá là một vị thuốc có thể chữa được bệnh.
Dây thuốc cá được trồng nhiều ở các tỉnh Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng do các hộ dân nơi đây thường sử dụng để xử lý ao hồ trước khi thả tôm. Dây thuốc cá được người dân tin dùng vì giá thành rẻ, không gây ô nhiễm môi trường và đem lại kết quả cao. Đối với những hộ dân trồng dây thuốc cá thì đây là một nguồn thu lợi khá lớn, hơn hẳn nhiều loại cây trồng khác.
"Thần dược"trong nông nghiệp
Thuốc cá là một loài dây leo và bò lan trên mặt đất, hoặc leo theo những thân cây để vươn lên cao. Vỏ, thân và cành có màu hơi đen, lá to, phát triển rất nhanh. Người dân trồng dây thuốc cá nhằm để khai thác rễ. Rễ giã nát sẽ cho ra một chất nước màu trắng đục (còn gọi là mủ), mùi nồng cay, chứa nhiều hoạt chất rotenol, rất độc đối với các loài cá, ếch, lươn và các loại côn trùng có hại cho mùa màng nhưng lại có lợi đối với loài giáp xác như tôm sú.
Dây thuốc cá còn được sử dụng để trị những bệnh ve, ghẻ, rận, hoặc để loại những ký sinh trùng gây hại trên vật nuôi gia súc. Theo GS. Nguyễn Lân Dũng thì dây thuốc cá không gây hại qua đường tiêu hóa với người hoặc động vật máu nóng. Ngoài ra, dây thuốc cá còn được bào chế để làm thuốc tẩy giun, chữa viêm mũi dị ứng, trị ghẻ. Tuy nhiên, bản chất của dây thuốc cá có mang độc tố nên ít được sử dụng trên người.
Để tìm hiểu rõ hơn về dây thuốc cá, PV Người Đưa Tin đã tìm đến cơ sở sản xuất, chế biến dây thuốc cá của ông Ngô Siêu (ngụ xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh). Được biết người dân ở đây thường sử dụng dây thuốc cá đã qua chế biến để thuốc cá, xử lý ao hồ nuôi để nuôi tôm, hoặc dùng để tưới cho hoa màu trừ các loại sâu bệnh. Cơ sở chế biến dây thuốc cá của ông Siêu chỉ vỏn vẹn một bể nước sâu gần 2m, đổ đầy nước để trữ rễ dây thuốc cá và một máy xay nhỏ để xay rễ cây bán cho người dân. Ông Siêu cho biết: "Loại rễ cây này có nước là sống được, thời gian sử dụng tốt nhất là 3 tháng sau khi thu hoạch lúc này mủ trong rễ cây vẫn còn nguyên chất nên đạt hiệu quả nhất".
Lá và rễ dây thuốc cá
Độc tố của dây thuốc cá tập trung nhiều nhất là ở phần rễ, nên người dân chỉ thu hoạch và sử dụng phần rễ. Ông Siêu cho biết, người dân sử dụng dây thuốc cá nhiều vì giá thành rẻ mà hiệu quả lại cao. Trước khi thả cá, tôm vào ao để nuôi chỉ cần thả vài ký dây thuốc cá vào ao và để vài ngày thì bao nhiêu vi khuẩn gây hại đều được xử lý sạch sẽ. Dây thuốc cá còn được dùng để đánh bắt cá, nếu rải dây thuốc cá xuống ao, cá sẽ bị ngộp thở và nổi lềnh bềnh trên nước, người đánh bắt dễ dàng cầm vợt vớt lên. Trên hoa màu, dây thuốc cá cũng cho hiệu quả tương tự, điều đặc biệt là nó không gây hại cho người sử dụng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trong rễ dây thuốc cá có chất rotenol và các chất tương tự. Chất rotenol khi tiếp xúc với các loại côn trùng sâu bệnh sẽ làm tê liệt trung khu hô hấp, khiến chúng hoạt động yếu dần rồi chết đi. Chất rotenol là hợp chất không bền vững với thời gian, dễ bị phân giải thành chất vô hại dưới ánh sáng mặt trời hay do tiếp xúc với oxy trong không khí. Sau khi dùng nó sẽ biến thành chất vô hại cho người và động vật nuôi, không để lại tồn dư trong sản phẩm.
Nguy hiểm nếu không sử dụng đúng cách
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết dây thuốc cá không hẳn chỉ có tác dụng trên cây trái hay vật nuôi mà với người, nếu không biết cách sử dụng thì dây thuốc cá sẽ trở thành một loại thuốc độc nguy hiểm. Ông Siêu cho biết, nếu bình thường dây thuốc cá sẽ không gây nguy hiểm nhiều đến cho người vì trước đây từng có một số người uống mủ dây thuốc cá để tự tử nhưng không chết, chỉ bị ngộ độc nhẹ.
Ông Siêu còn cho biết thêm, người dân ở đây ai cũng biết cách để giải chất độc của dây thuốc cá, rất đơn giản đó là dùng nước tiểu của người. Nếu trong quá trình dùng thuốc cá để đánh bắt, khi cá đã say và nổi lềnh bềnh trên mặt nước, muốn cá trở lại bình thường chỉ cần một người tiểu xuống ao là cá sẽ trở lại bình thường ngay tức khắc, nếu ao lớn thì cần hai hay ba người trở lên. Nước tiểu có tác dụng đối với cả người, nếu chẳng may bị mủ bắn trúng mắt có thể dùng nước tiểu để nhỏ vào mắt, sẽ kịp thời cứu chữa. Nếu ai lỡ uống dây thuốc cá thì có thể uống ngay một ít nước tiểu để giải độc.
Tuy nhiên, người dân ở đây ai cũng biết nếu mủ dây thuốc cá pha với nước và chanh thì sẽ tạo ra một chất độc nguy hiểm gây chết người ngay trong chốc lát. Theo ông Siêu, dây thuốc cá kị với chanh nên nếu kết hợp chúng sẽ tạo nên chất kịch độc. Ông Siêu cũng không biết từ bao giờ, người dân lại biết pha dây thuốc cá với chanh để tạo nên thuốc độc.
Khi chúng tôi đến địa bàn xã Đại An, huyện Trà Cú thì vừa hay tin ông Hồng Lê (57 tuổi) ngụ địa bàn trên vừa tự tử. Qua trao đổi với người nhà nạn nhân, được biết ông Lê vì buồn phiền chuyện gia đình nên đã uống thuốc độc được chiết xuất từ dây thuốc cá pha với chanh để quyên sinh. Ông Lê được gia đình phát hiện có dấu hiệu bất thường, nôn ói nhiều lần và hơi thở yếu. Nhưng vì gia đình nghĩ là ông uống rượu say nên chỉ cạo gió, xoa bóp tay chân chứ không đưa đi cấp cứu. Ông Lê chết ngay sau khi gia đình phát hiện chỉ vỏn vẹn 5 phút. Trao đổi với PV, chị Mỹ Châu, con gái của ông Lê cho biết, trước đây ở cũng đã có người sử dụng lá của dây thuốc cá giã nhuyễn thoa lên người để trị ghẻ nhưng trong quá trình thoa thuốc, sơ ý dùng chanh trong các món ăn nên cũng đã chết.
Tai hại hơn, một số người dân nghe lời đồn không có căn cứ đã sử dụng dây thuốc cá để trị bệnh và cũng đã chết oan uổng. Đầu năm 2012, bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM) đã tiếp nhận một ca cấp cứu do uống nước được nấu từ dây thuốc cá. Nạn nhân là một phụ nữ đã 70 tuổi, vốn có bệnh hen suyễn lâu năm, được nhiều người mách dùng thân dây thuốc cá nấu nước uống sẽ trị được bệnh. Nhưng chỉ sau 30 phút uống thuốc, nạn nhân đã có những triệu chứng khó thở, co giật và hôn mê. Mặc dù đã được cấp cứu và điều trị tích cực nhưng nạn nhân không qua khỏi. Bác sĩ Lý Thị Thu Vân, Trưởng khoa Hồi sức và Cấp cứu bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết, hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị để giải độc từ dây thuốc cá.
Riêng thông tin từ ông Siêu có thể dùng nước tiểu để giải độc từ dây thuốc cá hiện vẫn chưa có cơ sở để kiểm chứng. Nước tiểu có thể dùng để giải độc từ dây thuốc cá cho cá bị say thuốc nhưng đối với người bị nhiễm độc thì vẫn chưa thấy kết quả chắc chắn. Trong dân gian, người dân thường dùng lá của dây thuốc cá phơi khô nấu nước uống để chữa ho, tiêu đờm với liều dùng từ 10 đến 16 gam/ngày, nhưng bài thuốc này vẫn chưa được sử dụng rộng rãi. Dù sao thì đây vẫn là một loại cây có độc tính cao vì vậy khi sử dụng, cần có sự tư vấn của các bác sỹ Đông y.
Dây thuốc cá còn có những tên gọi khác như dây duốc cá, cây dây mật, cây đùng đục, cây cóc khèn, lẩu tím, tuba root (Anh), derris touba (Pháp). Tên khoa học: Deris elliptica. Benth; Derris tonkonensis Gagnep. Họ Cánh bướm: Fabaceae (Papilionaceae). Khi người uống phải lượng ít dung dịch rotenol mới pha loãng ở nồng độ thường dùng để thuốc cá, trẻ bị ngộ độc sẽ thấy đau bụng, nôn mửa nhiều. Trường hợp uống lượng nhiều, hoặc dung dịch đậm đặc rotenol thì ngoài tác dụng gây nôn trẻ còn bị co giật toàn thân, xảy ra tình trạng ức chế hô hấp, hạ đường huyết sau cùng gây chết do bị tê liệt trung khu hô hấp. |