Mang thai tháng thứ 8 vẫn mất con, người mẹ ân hận vì chủ quan với căn bệnh hay gặp khi mang thai

Sự kiện: Mang thai

Mang thai tháng thứ 8 chị hốt hoảng vì con không thấy đạp trong bụng, hóa ra thai đã chết lưu. Vào viện bác sĩ bảo phải bỏ. Cũng như chị để mất đi đứa con của mình, nhiều người mẹ ân hận vì chủ quan với căn bệnh hay gặp khi mang thai này.

Thai chết lưu mới biết bị tiểu đường

Các bác sĩ bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang mới đây đã điều trị cho sản phụ Đ.T.L, 36 tuổi, bị tiểu đường thai kỳ. Theo chia sẻ của người nhà, sản phụ đang mang thai 38 tuần dù duy trì chế độ ăn uống dinh dưỡng đầy đủ nhưng hơn tháng trước có dấu hiệu sụt cân, tiểu nhiều, hay khát nước và không còn cảm nhận được thai nhi "đạp" bụng mẹ nữa nên đi khám.

Qua kiểm tra, bác sĩ thấy thai đã chết lưu. Kết quả xét nghiệm cho thấy đường huyết của sản phụ cao, lần 01 là 24 mmol/lít và lần 02 là 26 mmol/lít nhiều hơn mức bình thường nhiều lần là từ 3,9 mmol – 6,5 mmol/lít và nồng độ đường trong máu cũng tăng cao bất thường. Bác sĩ kết luận đây là nguyên nhân khiến thai chết lưu.

Với mức đường huyết cao cộng thêm tiền sử mổ đẻ 5 năm trước, khi chuyển dạ thai lưu dễ khiến sản phụ bị hôn mê, tiềm ẩn nguy cơ đờ tử cung, vỡ tử cung. Bệnh nhân đã phải điều trị hạ đường huyết bằng cách truyền insulin để về mức đường huyết bình thường cho chuyển dạ tự nhiên thay vì can thiệp mổ thai. Sau hơn một ngày điều trị, sản phụ đã đẻ thường và được bác sĩ kiểm soát tử cung an toàn và dùng thuốc tăng co ổn định.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để mất đi đứa con của mình khi tuổi thai đã lớn, cũng như chị L, nhiều người mẹ ân hận vì chủ quan với căn bệnh hay gặp khi mang thai là đái tháo đường này. Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã từng tiếp nhận sản phụ 37 tuần tuổi bị thai chết lưu vì đường huyết quá cao không điều trị kịp. 

Từ khi mang thai, bệnh nhân chỉ làm xét nghiệm đường huyết 1 lần khi thai được 2 tháng. Những tháng sau tăng cân nhanh nghĩ thai khỏe nên không đi khám. Đến gần ngày sinh, thai phụ hốt hoảng vì không thấy con đạp trong bụng nữa, vào viện hóa ra thai đã bị chết lưu. Khi đó, chị mới biết mình bị đái tháo đường với chỉ số đường huyết cao bất thường.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tiểu đường thai kì là tình trạng rối loạn dung nạp glucose. Tiểu đường là căn bệnh hay gặp khi mang thai. Ngày nay phụ nữ mang thai nguy cơ mắc tiểu đường càng cao. Khi không phát hiện, điều trị sớm sẽ gây nhiều biến chứng cho mẹ, thai nhi. Nguy cơ thai chết lưu, chết ngay sau sinh cao gấp 2 – 4 lần với thai phụ bình thường.

Người mẹ dễ bị sảy thai sớm, sinh non, con quá to, sinh ra con dị tật. Ngay cả trong các trường hợp tiểu đường xuất hiện muộn trong thai kỳ, nguy cơ của thai nhi như sang chấn lúc sinh hay suy hô hấp... cũng cao hơn nhiều lần so với bình thường. Và đứa trẻ ra đời cũng dễ gặp phải các rối loạn chức năng cơ thể về thần kinh, hô hấp, tuần hoàn, thậm chí trẻ sinh ra đã bị dị dạng.

Điều cần lưu ý để tránh tiểu đường thai kì

Các bác sĩ bệnh viện phụ sản cho rằng, tiểu đường thai kỳ có ảnh hưởng lớn vào những tháng cuối của thai kì. Những sản phụ có thai trên 30 tuổi, béo phì… nguy cơ bị bệnh đái tháo đường thai kì nhiều hơn. Dù vậy mọi người không cần quá lo lắng vì chỉ cần làm theo đúng hướng dẫn về ăn uống, sinh hoạt, khám thai đều đặn theo bác sĩ là tránh được nguy cơ. Điều đáng nói là có những sản phụ chủ quan không điều trị tiểu đường thai kì khi phát hiện ở những tháng đầu hoặc thờ ơ đi khám thai dẫn tới phát hiện muộn, thậm chí khi đi sinh mới biết bị tiểu đường thai kì.

Theo BS CKII Lê Công Tước - Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, thai phụ khi bị đái tháo đường thường có các dấu hiệu như người mệt mỏi, hay khát nước, đi tiểu nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân; Tăng cân bất thường; Siêu âm thấy thai nhi phát triển cân nặng to hơn so với biểu đồ tăng trưởng bình thường… Do đó, mọi người cần chú ý đi khám thường xuyên. Tiểu đường thai kì nếu được chẩn đoán sớm, thích hợp sẽ không còn đáng lo.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, quan niệm sai lầm của nhiều sản phụ là ăn càng nhiều càng tốt cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. Thực chất cần phải cân đối trong chế độ ăn một cách khoa học. Việc ăn vô tội vạ là nguy cơ bị đái tháo đường rất cao.

Phụ nữ mang thai bị tiểu đường cần đi kiểm tra, tư vấn dinh dưỡng. Lập danh sách những thực phẩm nên ăn và không nên ăn theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa, dinh dưỡng là điều cần thiết. Cùng với đó duy trì việc luyện tập hằng ngày.

Điều quan trọng nhất vẫn cần là thai phụ cần phải đi khám thai định kì thường xuyên. Đừng chủ quan thấy tăng cân đều đặn mà không chịu đi khám. Thai phụ cần làm các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu, nước tiểu, từ tuần 24 – 26 nên làm nghiệm pháp dung nạp glucose.

Đa phần những trường hợp bị đái tháo đường thai kì chỉ cần điều chỉnh ăn uống hợp lý là sẽ bình thường. Cũng sẽ có trường hợp cần dùng thuốc, tiêm nhưng bác sĩ sẽ chỉ định. Các thai phụ không nên quá lo lắng vì hiện ở các cơ sở y tế việc điều trị cho sản phụ bị tiểu đường thai kì rất tốt. Sau đẻ khoảng 6 tuần, sản phụ cần kiểm tra lại nồng độ đường huyết.

Nguồn: [Link nguồn]

Phụ nữ mang thai mắc Covid-19, xử trí như thế nào?

Hạn chế các can thiệp sản khoa trong thời gian nghi nhiễm/nhiễm Covid-19, trừ khi có chỉ định cần can thiệp cấp cứu (rau...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thuận ([Tên nguồn])
Mang thai Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN