Liệt dương, suy thận vì tiểu đường

Mắc bệnh tiểu đường từ lúc còn trẻ dẫn theo nhiều biến chứng liệt dương, suy thận, suy gan khiến cuộc sống của người bệnh càng thêm mệt mỏi.

Liệt dương, suy thận vì tiểu đường - 1

Bệnh nhân bị tiểu đường điều trị tại BV Nội tiết trung ương

Liệt dương vì tiểu đường

Anh Vũ Văn Phương trú tại An Lão, Hải Phòng là bệnh nhân lâu năm của Bệnh viện Nột tiết Trung ương. Anh Phương kể mình phát hiện ra mình bị bệnh tiểu đường tuyp 2 từ cách đây hơn 5 năm. Lúc đó, anh thấy cơ thể mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn và sụt cân. Anh đi khám tại Bệnh viện Việt Tiệp, kết quả thử máu báo đường huyết cao. 

Làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán anh bị tiểu đường tuyp 2. Lúc đầu, anh Phương nghĩ đây là bệnh bình thường chỉ cần ăn kiêng là xong. Nhưng cuộc đời anh bước sang một trang mới có lẽ chỉ toàn buồn tủi và cay đắng. Anh Phương kể không phải buồn vì phải ăn kiêng, không được vẫy vùng như trước. Ở tuổi 34, anh đã bị liệt dương. Chuyện chăn gối của hai vợ chồng lạnh ngắt. 

"Người ta trục trặc phòng the đi khám còn cải thiện chứ tôi bị trục trặc phòng the do bệnh tiểu đường phải chấp nhận sống chung với nó chứ biết làm sao. Lúc đầu, chuyện chăn gối chỉ phập phù, cậu nhỏ lúc cương lúc không nhưng khoảng 1 năm nay thì "nó" liệt hẳn không có cách nào đưa nó cương được" - anh Phương tâm sự.

Anh đi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ cho biết bệnh tiểu đường huỷ hoại hệ thống mạch máu, trong đó có các mạch máu ở cơ quan sinh dục. Khi ấy máu không đủ dồn đến dương vật để gây cương.

Với anh D, cũng là một bệnh nhân bị tiểu đường, tình trạng không khá khẩm hơn mấy. Tình trạng bất lực ở ngay lứa tuổi sung mãn nhất của đàn ông là một nỗi đau không thể nói hết. Anh kể, cưới vợ từ năm 25 tuổi, đến khi mắc bệnh anh đã có hai cháu trai. Tuy nhiên, lúc nào anh cũng lo bệnh di truyền có thể để lại gen bệnh cho con nên cứ 6 tháng anh lại đưa con đi kiểm tra một lần. Bố anh trước đó cũng bị tiểu đường nhưng ông cụ phát hiện lúc tuổi đã cao nên chỉ uống thuốc và ăn kiêng. Anh Phương cũng chủ quan vì nghĩ mình còn trẻ, chỉ ăn kiêng mà không điều trị bài bản dẫn đến tình trạng liệt dương không thể cứu chữa.

Anh Nguyễn Công Thực 24 tuổi trú tại Bắc Cạn cũng bị tiểu đường tuyp 2. Từ khi bị bệnh, anh Thực không nghĩ đến chuyện lập gia đình. Hơn nữa, công việc làm kinh doanh dường như việc kiêng cữ với anh càng khó. Kết quả, sau 3 năm bị bệnh, không tuân thủ điều trị bệnh tiểu đường đã gây biến chứng suy giảm trí nhớ, mờ mắt. Anh Thực kể mình rất ân hận vì đã không tuân thủ đúng lời khuyên của các bác sĩ.

Suy thận vì tiểu đường

Trường hợp của chị Bùi Thị Bích - Trúc Khê, Hà Nội cũng tương tự. Chị Phương 31 tuổi bị tiểu đường tuyp 2 kèm theo suy thận. Chị Bích tâm sự mình vốn cơ địa béo từ trước 72 kg, cao 1,56 cm. Khi thấy mình hay ăn thích đồ ngọt, sở thích này của chị có từ trước nên khi ăn nhiều hơn, uống nhiều hơn chị thấy không có gì bất thường.

Sau đó một thời gian, chị thấy người mệt mỏi, nhiều lần nằm ngủ chị thấy khó thở, bàn chân nóng và tê. Chị đi kiểm tra sức khỏe bác sĩ cho biết chị bị tiểu đường. Điều trị bệnh 1 năm thì tiểu đường biến chứng sang suy thận.

Hai năm nay, chị Bích sống gắn chặt với bệnh viện, một tuần chạy thận 3 lần. Điều chị thấy đau khổ nhất biến chứng của tiểu đường gây suy thận còn khiến miệng còn hôi khủng khiếp. Điều ấy khiến chị thiếu tự tin. Còn chuyện vợ chồng, chị kể "nguội lạnh từ lâu, chị và chồng đang ly thân. Anh chuẩn bị sang Pháp cùng gia đình. Hai con mỗi người nuôi một cháu. Hàng tháng, anh chu cấp cho hai mẹ con chị".

Theo Giáo sư Tạ Văn Bình, bệnh tiểu đường tuyp 2 đang trẻ hóa, có một đặc điểm là ở những bệnh nhân trẻ thường chủ quan, không nghĩ mình bị tiểu đường nên thường đến bệnh viện khi đã ở giai đoạn nặng. Khi được chẩn đoán, họ thường sốc, chán nản vì cho rằng mình còn trẻ mà đã trở thành gánh nặng nên chất lượng sống càng giảm sút, quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.

Có trường hợp như của anh Phương thì cho rằng tiểu đường chỉ cần ăn kiêng là đủ, không tuân thủ điều trị dẫn đến các biến chứng xảy ra nhanh, mạnh.

Để khống chế bệnh, người bị tiểu đường tuyp 2 cần kiểm soát tốt đường máu, mỡ máu, thực hiện nghiêm ngặt chế độ ăn uống, luyện tập và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Bởi nếu không được điều trị tốt, biến chứng xảy ra nhanh sẽ dẫn tới tử vong sớm, tuổi thọ giảm. Người bệnh cần tập thể dục đều đặn, ít nhất một giờ một ngày, khám định kỳ hằng tháng.

Những người thuộc nhóm nguy cơ cao bị bệnh tiểu đường như tăng huyết áp, béo phì, gia đình có người bị tiểu đường, phụ nữ từng bị tăng đường huyết khi mang thai... cần thường xuyên đi khám định kỳ, đo đường huyết để phát hiện bệnh sớm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phúc Mai (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN