Trẻ bị hôn mê, suy thận do biến chứng của tiểu đường

Trẻ có biểu hiện tiểu nhiều, háo nước và thích ăn đồ ngọt thì cha mẹ cần cho con đi kiểm tra sức khỏe vì có thể trẻ đã bị tiểu đường, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Sụt cân, hôn mê vì tiểu đường

Theo lời kể của chị Phương mẹ bệnh nhân Trần Thanh H. thời gian gần đây thấy cháu kêu đau đầu kèm theo ho và sốt 38 độ C, gia đình đã đưa con đến trạm y tế xã để lấy thuốc. 

Ngay ngày hôm sau, sức khỏe bé Huyền xấu đi nhanh chóng: Bé tiểu tiện nhiều, uống rất nhiều, liên tục nôn và rơi vào trạng thái li bì. Khi đưa con đến bệnh viện tỉnh, gia đình hốt hoảng nhận thấy chỉ trong vài  ngày, bé đã sút đến 3 kg. Trẻ được các bác sĩ tại đây chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, biến chứng nặng và lập tức được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung Ương.

Trẻ bị hôn mê, suy thận do biến chứng của tiểu đường - 1

Cháu H. đang ở viện điều trị.

Cháu Huyền được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch: hôn mê, sốc, mạch nhanh, huyết áp tụt. Bệnh tiểu đường đã ở giai đoạn biến chứng nặng, gây suy thận, khiến cháu vô niệu hoàn toàn. 

Tại khoa Nội tiết-Chuyển hóa-Di truyền, cháu được điều trị chống sốc, điều chỉnh rối loạn đường máu và lọc máu liên tục. Sau gần 48 giờ cấp cứu, đường máu và các chỉ số dần ổn định. Tuy bé đã tỉnh nhưng vẫn còn suy thận nặng, vì vậy việc lọc máu vẫn được duy trì. Chỉ tới ngày thứ 21, bé Huyền mới có nước tiểu, sức khỏe được cải thiện.

Cháu Nguyễn Thị H. A. trú tại tập thể Tân Mai, Hà Nội cũng là bệnh nhân quen thuộc của khoa Nội tiết, Chuyển hóa và di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương. Chị Tuyết, mẹ cháu H. A kể, cháu được 5 tuổi, nặng 20 kg. Thời gian đầu, cháu khỏe mạnh, tăng cân tốt. Khi thấy con hay đi tiểu đêm và háo đường. Cháu thích ăn kẹo và đường hạt. Chị để ý con đi tiểu ra sân một lát kiến bu đầy. Khi đó, chị Tuyết lên mạng tìm kiếm thông tin về triệu chứng. Chị chết điếng khi biết có thể con mắc tiểu đường.

Lúc này, chị đưa con vào viện Nhi, các kết quả xét nghiệm cho biết cháu bị tiểu đường.

Cháu H. A phải uống thuốc điều trị insulin đến cuối đời. Nhìn đứa con gái bụ bẫm ngày nào giờ tiều tụy, chị Tuyết chỉ khóc. Rất may, chị không để muộn chứ chủ quan thì cháu có thể gặp nhiều biến chứng khác.

Biến chứng tiểu đường ở trẻ nặng nề

Giải thích về cơ chế gây bệnh, thạc sĩ-bác sĩ Cấn Thị Bích Ngọc- Chuyên khoa Nội tiết-chuyển hóa-Di truyền cho hay, nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường rất phức tạp và chưa được làm rõ. Bệnh này xảy ra khi có sự kết hợp giữa yếu tố gen trong cơ thể người với một số yếu tố môi trường. Nếu một người mang gen bệnh mà tiếp xúc với yếu tố kích hoạt bên ngoài thì có thể mắc tiểu đường.

Theo bác sĩ  Ngọc, cháu H. khi vào viện đã có biểu hiện biến chứng nặng nề, như vậy có thể bệnh đã diễn biến âm thầm trong khoảng thời gian dài nhưng gia đình không nhận thấy. Bệnh tiểu đường ở trẻ em nếu  không được phát hiện sớm và  xử trí kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như hôn mê, nhiễm toan xeton và sau này là các bệnh lý về tim, hệ mạch máu, tổn thương thần kinh, thận, mắt, da và miệng, loãng xương v.v...

Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cảnh giác với bệnh lý tiểu đường khi thấy trẻ có những biểu hiện bất thường như:

-Đi tiểu thường xuyên

-Hay khát nước, uống nhiều nước,

- Sụt cân, mệt mỏi, thay đổi cảm xúc

- Nhiễm trùng miệng, âm đạo hoặc da (do vi trùng sinh sôi trong môi trường có nồng độ glucose cao)

-Đau bụng

-Học lực giảm sút. 

Trẻ bị tiểu đường nếu được phát hiện kịp thời, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa kết hợp chăm sóc chế độ dinh dưỡng hợp  lý vẫn có thể học tập, vui chơi và tham gia các hoạt động xã hội như các bạn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Ngọc (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN