Khi kỹ thuật viên chẩn bệnh thay bác sĩ

Chỉ có chức năng nhận bệnh phẩm, ghi rõ ngày giờ nhận bệnh phẩm vào phiếu yêu cầu xét nghiệm và trả kết quả nhưng kỹ thuât viên ở Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện TPHCM được “nâng cấp” lên làm bác sĩ để chẩn đoán bệnh. Thậm chí ở bệnh viện này, lái xe cũng kiêm luôn việc đo huyết áp cho bệnh nhân.

Kỹ thuật viên đọc xét nghiệm: ung thư thành không có bệnh

Mỗi năm, tại Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện có khoảng 5 nghìn bệnh nhân trong và ngoài ngành bưu điện đến thăm khám và làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung (còn được gọi là xét nghiệm PAPSMEAR). Đây là xét nghiệm khá quan trọng với mục đích phát hiện sớm các thay đổi ở tế bào cổ tử cung để phát hiện sớm ung thư. Tuy nhiên, thay vì phải có bác sĩ giải phẫu bệnh để đọc kết quả bệnh án và chỉ dẫn điều trị cho bệnh nhân thì nhiều năm nay Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện phân công kỹ thuật viên Bùi Lương Hiền kiêm luôn… bác sĩ giải phẫu bệnh.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện không chỉ làm các xét nghiệm tế bào cổ tử cung cho nữ cán bộ công nhân viên trong ngành mà nơi đây còn khám dịch vụ cho hàng nghìn nữ bệnh nhân ở ngoài ngành. Tuy nhiên, tất cả kết quả giải phẫu bệnh đều do kỹ thuật viên, vốn chỉ có chức năng nhận bệnh, thực hiện các kỹ thuật cho xét nghiệm đọc kết quả.

Khi kỹ thuật viên chẩn bệnh thay bác sĩ - 1

Theo Quy chế bệnh viện do Bộ Y tế ban hành, kỹ thuật viên chỉ là người lấy mẫu, nhận bệnh phẩm, nhuộm bệnh phẩm và trả kết quả. ảnh minh họa: L.N.

Vì vậy, trong hàng nghìn bệnh nhân thực hiện khám chữa bệnh nơi đây đều chỉ nhận kết quả “bình thường” hoặc bị “viêm” không rõ lý do mà không có những phát hiện bất thường. Bệnh nhân N.T.T, ở tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu khi thực hiện xét nghiệm PAPSMEAR ở bệnh viện này được kỹ thuật viên Bùi Lương Hiền đọc kết quả “bình thường”.

Nhưng 5 tháng sau khi bệnh nhân có biểu hiện bất thường, lên thăm khám ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM được các bác sĩ cho biết, đã bị ung thư cổ tử cung giai đoạn 2. “Tôi rất bất ngờ. Tôi cũng không biết tại sao ở Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện không phát hiện ra bệnh để tôi phòng ngừa sớm”- bệnh nhân T, búc xúc.

Một bác sĩ ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết: “Ung thư cổ tử cung đến giai đoạn hai có nghĩa bệnh nhân xuất hiện tế bào ung thư trước đó cả năm nhưng không hiểu sao người này không được phát hiện sớm, cho dù đã làm xét nghiệm tế bào tử cung”. Bác sĩ này nghi ngờ nhiều khả năng người đọc kết quả không phải là bác sĩ vì không am hiểu vấn đề giải phẫu bệnh.

Không chỉ hàng nghìn phụ nữ trong ngành bưu điện đến khám bệnh định kỳ và được làm xét nghiệm PAPSMEAR nhận được kết quả “bình thường” mà ngay những cán bộ nữ của Văn phòng Thanh tra Chính phủ, các công ty ở các tỉnh phía Nam hợp đồng khám bệnh tại đây sau khi xét nghiệm cũng được kỹ thuật viên Bùi Lương Hiền đọc kết quả.

Một bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện cho biết, theo Quy chế công tác khoa Giải phẫu bệnh của Bộ Y tế, bác sĩ chuyên khoa Giải phẫu bệnh có trách nhiệm thực hiện thăm khám người bệnh, làm hồ sơ bệnh án, chỉ định chọc hút khối u, hạch trong buồng thủ thuật; bảo đảm dụng cụ làm thủ thuật vô khuẩn và đọc các tiêu bản tế bào bệnh học, ghi phiếu trả kết quả và ký tên; trường hợp khó phải trao đổi với bác sĩ trưởng khoa.

Không thuê bác sỹ vì tiết kiệm kinh phí

Bức xúc vì kỹ thuật viên lại được lãnh đạo bệnh viện “ưu ái” đôn lên làm “bác sĩ” đọc kết quả giải phẫu bệnh, bác sĩ Phạm Mai Anh- Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện đã có công văn gửi lãnh đạo bệnh viện này yêu cầu phải có bác sĩ giải phẫu bệnh đọc kết quả. “Trong thời gian qua, việc đọc kết quả xét nghiệm PAPSMEAR đều do kỹ thuật viên Bùi Lương Hiền đảm nhiệm nên không phát hiện được trường hợp bệnh nhân có kết quả bất thường.

Từ tháng 3/2013 chúng tôi yêu cầu để việc đọc kết quả chính xác và an toàn cho bệnh nhân rất cần bác sĩ giải phẫu bệnh thực hiện”- bác sĩ Mai Anh nói. Thế nhưng, kiến nghị trên vẫn không được Ban giám đốc bệnh viện lưu tâm. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, khoảng hai năm trước, Bệnh viện đa khoa Bưu Điện đã thuê thạc sĩ- bác sĩ Trang Thị Ánh Tuyết công tác ở Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM đọc kết quả. Tuy nhiên, gần hai năm nay, vì để “tiết kiệm” kinh phí Bệnh viện này giao cho kỹ thuật viên Hiền đọc luôn kết quả.

Một bác sĩ công tác ở Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện xin giấu tên cho biết, trong quy chế công tác khoa xét nghiệm thì kỹ thuật viên xét nghiệm chỉ thực hiện nhận bệnh phẩm thường quy đến 10 giờ sáng hằng ngày đối với người bệnh nội trú; nhận ngay bệnh phẩm cấp cứu và ghi rõ giờ nhận vào phiếu yêu cầu xét nghiệm.

Trao đổi với Tiền Phong hôm 2/9, bác sĩ Phạm Tuấn Khoa- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện cho biết: “Vấn đề này kéo dài đã lâu, lãnh đạo Khoa Sản của bệnh viện có phản ánh nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm ra bác sĩ giải phẫu bệnh để đọc kết quả”.

Tréo ngoe hơn là trong tờ trình thành lập đoàn khám sức khỏe cho cán bộ Công ty nhiên liệu Sài Gòn mà Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện đã duyệt thì có hộ lý Phan Thiên Lan và lái xe Phan Hồng Chí được phân công đo huyết áp, đo chiều cao và cân nặng. Theo quy định, chiều cao, cân nặng và đo huyết áp thì phải là nhân viên điều dưỡng trở lên mới được thực hiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Nguyễn (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN