Khám phá trên men có thể giúp chống lão hóa

Các nhà khoa học Nhật và New Zealand đã làm cho men bánh mì sống lâu hơn bình thường 50% bằng cách ổn định một chuỗi gien gọi là ribosomal DNA (rDNA).

Nghiên cứu này được công bố trên tờ Current Biology, cho thấy tính hữu hiệu của các chuỗi rDNA ổn định trong việc chống lão hóa.

Nhà di truyền học Austen Ganley của ĐH Massey cùng các đồng nghiệp tại Viện Di truyền học quốc gia Nhật Bản đã nghiên cứu protein Sir2. Loại protein này có khả năng làm tăng tuổi thọ của men mặc dù các nhà khoa học không biết lý do vì sao. Bằng cách thay thế tính năng ổn định của protein Sir2 vào rDNA và làm men sống lâu hơn đã giúp chứng minh được lý thuyết về rDNA.

Khám phá trên men có thể giúp chống lão hóa - 1

Các nhà khoa học ở ĐH Massey cho rằng phát kiến của họ là một bước tiến quan trọng để nghiên cứu ra thuốc chống lão hóa thực sự

Nhà nghiên cứu Ganley cho biết: “Phát kiến này rất quan trọng vì ở người có đến 7 sirtuins (loại gien tương tự Sir2)... Tuy các sirtuins hoạt động khác với Sir2 trên men nhưng rDNA ở men rất tương đồng với rDNA ở người. Vì vậy, yếu tố lão hóa ở tất cả các loài có thể chính là do sự bất ổn ở rDNA gây ra”.

Lý thuyết về ảnh hưởng của rDNA đến sự lão hóa dựa vào việc rDNA rất dễ bị tổn thương bởi phóng xạ và các phản ứng hóa học thông thường trong cơ thể người. Khi các tế bào bị tổn thương, chúng thường ngừng phân chia. Sự phân chia của tế bào lại chính là cách mà cơ thể phát triển và sửa chữa các hư hỏng khác. Các tế bào không phân chia được dẫn đến sự lão hóa trong cơ thể.

Các nhà khoa học ở ĐH Massey cho rằng phát kiến của họ là một bước tiến quan trọng để nghiên cứu ra thuốc chống lão hóa thực sự. Tuy nhiên, Ganley cũng nhắc rằng lý thuyết này vẫn cần được chứng thực hơn nữa. Ngoài ra, vì không thể sử dụng gien Sir2 như ở men, các nhà khoa học vẫn chưa biết loại gien nào có thể giúp ổn định rDNA ở người.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thiết Hầu (Người lao động/Business Insider)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN