Hóc xương cá năm tháng mới phát hiện

Việc đùa giỡn khi ăn uống dẫn đến sặc cũng có thể khiến dị vật chui vào đường thở.

Nữ bệnh nhân 57 tuổi ở Phú Yên đã đi nhiều nơi, uống nhiều thuốc trong năm tháng qua nhưng triệu chứng ho khan, khàn tiếng không khỏi. Ngày 8-1, bà tìm đến BV Tai Mũi Họng TP.HCM và được bác sĩ (BS) phát hiện mảnh xương cá chui vào khí quản và nằm trong đó chính là nguyên nhân.

Mảnh xương cá chữ V

Sáng 14-1,ThS-BS Nguyễn Minh Hảo Hớn, khoa Mũi Xoang, BV Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết vừa thực hiện nội soi gắp ra mảnh xương cá dài 3 cm từ khí quản của bệnh nhân LTNh (56 tuổi, Phú Yên). Do bệnh nhân không có triệu chứng nhiễm trùng, thủng đường thở hay mất máu nên được cho xuất viện trong ngày. Đây là bệnh nhân bị mắc kẹt xương cá trong đường thở lâu ngày nhất từ trước đến nay.

Bệnh nhân N. kể đã năm tháng qua bà bị ho và bỗng dưng khàn tiếng nhưng không khạc ra máu, không khó thở. Bà đã đi khám rất nhiều nơi, được chụp ảnh, nội soi… và uống nhiều loại thuốc nhưng không khỏi.

“Bệnh nhân chỉ ho khan và khàn tiếng mà khàn tiếng thường gặp ở người viêm thanh quản. Bên cạnh đó, chụp X-quang thường có thể không thấy nên bác sĩ dễ bỏ qua và bệnh nhân cũng không nhớ có sặc xương cá và không khai với bác sĩ. Đây là lý do bệnh nhân đi khám rất nhiều nơi, nhiều lần mà không phát hiện” - BS Hớn cho biết.

Tuy nhiên, trong quá trình nội soi họng thanh quản, BS thấy có một nốt sùi bất thường ở vùng hạ thanh môn (nằm bên dưới hai dây thanh) nên chỉ định chụp CT kiểm tra và bất ngờ phát hiện xương cá. Trên CT thể hiện xương cá gập góc hình chữ V, hai đầu đâm vào niêm mạc khí quản. BS đã tiến hành gây mê tĩnh mạch và gắp xương cá qua nội soi.

Hóc xương cá năm tháng mới phát hiện - 1

Niềm vui bất ngờ của bệnh nhân vì khàn tiếng trong năm tháng nay đã khỏi. Ảnh: DUY TÍNH. Mảnh xương cá lấy ra từ khí quản bệnh nhân.

“Chúng tôi thực hiện đẩy ngược xương cá xuống để xem hai đầu có đâm sâu vào khí quản hay không. Nếu kéo ngược xương thì vô tình đẩy xương cá lún sâu hơn và có thể gây thủng khí quản dẫn đến tai biến chảy máu, tràn khí, áp xe nhiễm trùng trung thất và đe dọa tính mạng bệnh nhân. Trong ba phút, chúng tôi đã gắp thành công mảnh xương cá ra khỏi khí quản bệnh nhân. Lúc này mảnh xương cá đã biến màu đen, dài 3 cm, trong khi đường kính khí quản chỉ có 1,5-1,8 cm” - BS Hớn kể. 

Điều bất ngờ hơn là xương cá lấy ra không phải là hình chữ V mà chỉ hơi cong như xương cá bình thường. Điều này chứng tỏ khi bệnh nhân bị hóc, do lực nuốt mạnh đẩy xương cá cong lại, vượt qua thanh môn và chui vào khí quản nằm ở tư thế chữ V.

Khi ăn uống chớ đùa giỡn

BS Hớn cho biết thêm nếu mắc kẹt xương cá ở thanh môn, bệnh nhân sẽ khàn tiếng sớm, có triệu chứng khó thở và nội soi thường phát hiện ra ngay. Còn trường hợp này xương cá đã chui qua khỏi thanh môn, mắc kẹt ở khí quản. Đây là một trong những trường hợp rất hiếm gặp lâm sàng và rất dễ bỏ sót. Một số trường hợp khác dị vật mắc ở phế quản, bệnh nhân sẽ bị đau ngực, có thể viêm phổi, có ho, có khó thở và kèm khạc ra máu nếu X-quang phổi sẽ nghi ngờ dị vật.

“Nếu bị ho khan, khàn tiếng kéo dài uống thuốc không khỏi và trong quá khứ từng gặp hội chứng xâm nhập (ăn uống có ho sặc sụa, có cảm giác khó thở thoáng qua) thì nên kể cho BS biết để BS chỉ định chụp CT (không phải bệnh nhân nào ho, khàn tiếng cũng chỉ định chụp CT) tìm dị vật, điều trị kịp thời” - BS Hớn khuyến cáo.

Theo BS CK II Nguyễn Thanh Vinh, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng, ở người lớn dị vật xương cá thường gặp ở hạ họng, thực quản. Trường hợp gặp ở đường thở với thời gian lâu như thế này thường rất hiếm. Thông thường các vị trí mắc kẹt ở thanh môn hoặc carina (chỗ chia đôi của khí quản và phế quản). Với trẻ em, dị vật đường thở thường gặp ở trẻ 1-3 tuổi. Ở lứa tuổi này, trẻ hiếu động hay chơi đồ chơi, bỏ vào miệng và nuốt, hoặc ngậm đồ chơi bị sặc, dị vật đi vào đường thở. Các loại dị vật hay gặp nhất là đồ chơi nhỏ, hạt mãng cầu, đậu phộng, hạt dưa, đầu bút bi, pin điện tử…

Hi hữu bệnh nhân bị hóc xương dê

Tuần trước, một nam bệnh nhân khi ăn thịt dê thì bị sặc. Sau đó về thấy tức ngực, ho ra máu và đến khám tại BV Tai Mũi Họng. Kết quả chụp CT nghi ngờ dị vật. Các BS tiến hành nội soi lấy ra mảnh xương dê trong khí quản bệnh nhân với kích thước 1,5 x 3 cm. 

Những trường hợp có cơn ho sặc sụa, khó thở sau ăn uống hoặc tình trạng ho khan lâu ngày mà không giảm sau khi điều trị nội khoa nên đến khám ngay để loại trừ dị vật đường thở.

BS CK II NGUYỄN THANH VINH, Phó Giám đốc BV Tai Mũi Họng TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Tính (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN