Ghi nhận 2 trường hợp tử vong đầu tiên do sốt xuất huyết năm 2022

Theo Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 9.919 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong.

Ngày 21/3, Bộ Y tế có báo cáo về công tác y tế trong tháng 3-2022.

Theo đó, từ ngày 18-2 đến 17-3, cả nước ghi nhận 4.287 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Bình Dương. Đây cũng là hai trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đầu tiên trong năm nay.

Theo Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 9.919 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số ca sốt xuất huyết giảm 65,4% và số tử vong giảm 4 trường hợp.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện và điều trị. 

Bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện và điều trị. 

Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế thành phố, trong tuần qua (từ ngày 14-3 đến 20-3), trên địa bàn thành phố không ghi nhận trường hợp sốt xuất huyết. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội ghi nhận 10 trường hợp sốt xuất huyết, giảm 42 ca so với cùng kỳ năm ngoái. 

Theo các chuyên gia y tế, dù số ca hiện nay giảm nhưng thời điểm giao mùa như hiện nay, thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Thêm vào đó, sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do vi rút gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: Sốt, đau đầu, đau mỏi người. Do đó, người dân không được chủ quan.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người.

Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau. COVID-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền.

Dấu hiệu COVID-19 ngoài sốt, đau đầu, đau mỏi người còn xuất hiện đau rát họng, ho, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, mất khứu giác... khi nặng hơn có thể tức ngực, khó thở.

Trong khi đó, sốt xuất huyết ngoài sốt cao, đau đầu, đau người sẽ thêm các biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc COVID-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc COVID-19 thì còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, mất ngửi,… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.

Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.

"Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như: sốt, đau mỏi cơ. Do đó nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, đồng thời yêu cầu làm xét nghiệm khẳng định, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc", TS Cường khuyến cáo.

Nguồn: [Link nguồn]

Bác sĩ BV Bạch Mai cảnh báo nguy cơ “dịch chồng dịch”, nêu điểm khác biệt của dịch sốt xuất huyết năm nay

Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, điểm khác biệt của dịch sốt xuất huyết năm nay là có nhiều bệnh nhân nặng, tràn dịch ổ bụng, tiểu cầu hạ thấp kèm xuất huyết phải vào viện...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Dịch sốt xuất huyết Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN