Gánh nặng nhiễm khuẩn bệnh viện

Nhiễm khuẩn bệnh viện là một trong những thách thức y khoa hiện nay. Nhiễm khuẩn bệnh viện kéo dài thời gian nằm viện của bệnh nhân, tăng chi phí điều trị và tăng tỉ lệ tử vong.

Những quan ngại này không phải Bộ Y tế mới đặt ra cho các cơ sở y tế song sự quan tâm thực hiện lại chưa quyết liệt.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay, tỉ lệ NKBV tại các nước trung bình là 5%-10%.  NKBV là gánh nặng cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế. NKBV ngoài tăng biến chứng, kháng thuốc, kéo dài thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị, tăng tỉ lệ tử vong cho người bệnh thì cơ sở y tế cũng bị ảnh hưởng theo, như giảm sự hài lòng, giảm uy tín, giảm thu nhập.

Nghiên cứu mới đây cũng chỉ ra rằng tại Mỹ, tỉ lệ NKBV là 4,5%,  mỗi năm có khoảng 1,7 triệu người bệnh bị NKBV, trong đó 99.000 bệnh nhân tử vong, chi phí phát sinh trong điều trị khoảng 6,5 tỉ USD. Ở châu Âu, tỉ lệ NKBV là 4,6%-9,3%, khoảng 5 triệu bệnh nhân bị NKBV và khoảng 130.000 người tử vong, chi phí phát sinh 13-24 tỉ euro. Trong khi đó, tại Việt Nam, tỉ lệ NKBV khoảng 6%, làm tăng gấp đôi chi phí và thời gian điều trị.

Người bệnh có vấn đề về sức khỏe phải đi chữa trị chỉ với mong muốn mau chóng khỏi bệnh. Thế nhưng, chẳng may “dính” thêm bệnh do NKBV khiến bản thân họ, gia đình và xã hội mang thêm gánh nặng. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng công tác chống nhiễm khuẩn cần đặc biệt quan tâm tại các bệnh viện.

Trong đó, quan trọng là việc thực hành rửa tay của nhân viên y tế khi chăm sóc bệnh nhân. Các loại nhiễm trùng thường gặp là nhiễm khuẩn đường hô hấp (42%), nhiễm khuẩn vết mổ (18%) và nhiễm khuẩn đường niệu (16%). Ở những bệnh nhân phải phẫu thuật, nguy cơ nhiễm khuẩn cao gấp 2,4 lần so với người được điều trị nội khoa…

Năm 1997, Bộ Y tế chính thức đưa quy chế chống nhiễm khuẩn vào quy chế bệnh viện và xây dựng khoa chống nhiễm khuẩn trong hệ thống tổ chức của bệnh viện. Gần đây, WHO và Hiệp hội Kiểm soát nhiễm khuẩn châu Á cũng ghi nhận những nỗ lực chống NKBV của Việt Nam.

Trong đó, Việt Nam đã tham gia chương trình toàn cầu “Bảo vệ sự sống: hãy rửa tay” do WHO phát động. Chương trình này có mục đích thúc đẩy và cải thiện thực hành về vệ sinh bàn tay của cán bộ y tế trong toàn hệ thống khám chữa bệnh, đã thu hút 15.596 bệnh viện ở 164 nước trên thế giới ký cam kết. Nước ta mới có 66 bệnh viện tham gia.

Có thể nói tình trạng NKBV vẫn ở mức báo động khi mà bài toán về môi trường, xử lý chất chất thải y tế, quá tải bệnh viện… chưa có lối ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thạnh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN