Dùng sai thuốc, trẻ dễ tử vong

Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ nên khi dùng thuốc cần hết sức cẩn trọng. Không được dùng liều thuốc của người lớn rồi áng chừng liều dùng cho trẻ.

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - Hà Nội đã tiếp nhận cấp cứu một bé trai 20 tháng tuổi trong tình trạng nguy kịch chỉ vì uống Oresol sai nồng độ. Bé được đưa vào cấp cứu trong tình trạng  sốt, co giật, vật vã kích thích. Qua thăm khám và dò hỏi bệnh sử, bác sĩ phát hiện bé bị tiêu chảy và được mẹ cho uống Oresol nhưng pha đậm đặc, bất chấp khuyến cáo.

“Sáng tạo” nguy hiểm

Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội cũng đã tiếp nhận hàng chục trẻ ngộ độc chì, thậm chí tử vong do dùng thuốc chứa chì với biểu hiện co giật, hôn mê, thiếu máu. Bệnh đều bắt nguồn từ việc cha mẹ cho trẻ sử dụng thuốc cam không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán trôi nổi trên thị trường. Trong khi đó, với những trẻ bị ngộ độc, kể cả khi đã được điều trị, vẫn có thể phải chịu những di chứng về thể chất và trí não.

Mới đây, vụ bé sơ sinh 6 tuổi tử vong nghi bị tiêm nhầm thuốc khiến dư luận không khỏi giật mình. Theo nhiều bác sĩ, sự bất cẩn của thầy thuốc cũng như sự tùy tiện, thậm chí thiếu hiểu biết, trong việc cho trẻ dùng thuốc  có thể khiến các bé phải chết oan uổng. Nguy cơ dị ứng và ngộ độc thuốc có thể xảy ra với bất kỳ loại thuốc nào khi sử dụng cho trẻ.

Dùng sai thuốc, trẻ dễ tử vong - 1

Một trẻ ngộ độc thuốc điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai

Riêng với Oresol được dùng rất phổ biến, theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, loại thuốc này gồm thành phần muối, đường…, khi được pha đủ, uống đúng sẽ bù lại lượng nước đã mất, giúp trẻ phục hồi nhanh, nhất là các bé bị mất nước do tiêu chảy. Tuy nhiên, Oresol có vị khó uống nên nhiều bà mẹ hay “sáng tạo” bằng cách pha lẫn với nước đường hoặc pha đặc để dỗ trẻ uống cho nhanh… Cách làm này rất nguy hiểm bởi khi pha đặc hơn so với khuyến cáo, trẻ uống Oresol không khác gì nước muối.

“Nếu uống Oresol với nồng độ quá đặc sẽ khiến hàm lượng muối trong máu tăng lên, gây tình trạng ưu trương, tạo nên áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường. Tình trạng này kéo dài có thể gây biến chứng teo não, nếu không cấp cứu kịp thời, trẻ rất dễ tử vong” - TS Dũng lưu ý.

Cẩn trọng với thuốc nhỏ mũi, kháng sinh

Theo TS Dũng, sai lầm thường gặp nhất ở các bậc phụ huynh là nghĩ rằng cơ thể trẻ cũng như người lớn thu nhỏ nên áng chừng liều của người lớn rồi chia thuốc, bẻ nhỏ cho trẻ dùng. “Cách làm này rất nguy hiểm. Cơ thể trẻ, nhất là trẻ sơ sinh, thiếu tháng, không phải là người lớn thu nhỏ nên khi sử dụng thuốc cần hết sức cẩn trọng” - TS Dũng khuyến cáo.

TS Dũng cho biết có nhiều loại thuốc người lớn dùng được nhưng trẻ nhỏ thì tuyệt đối cấm. “Chẳng hạn, Terpin Codein là thuốc ho nhưng chỉ dùng cho người lớn, không dùng cho trẻ dưới 2 tuổi vì các chế phẩm chứa thuốc phiện có thể gây ngộ độc, ngừng thở, thậm chí khiến trẻ tử vong. Thuốc điều trị tiêu chảy Loperamid cũng chống chỉ định với trẻ em vì nếu dùng có thể tử vong. Với nhóm thuốc chữa dị ứng Clopheramine mà người ta rất hay tự ý sử dụng, dù có thể dùng cho trẻ ở liều thấp nhưng không nên dùng cho trẻ sơ sinh vì nhiều tác dụng phụ nguy hiểm” - TS Dũng cảnh báo.

Các bác sĩ cũng lưu ý cha mẹ không nên lạm dụng thuốc nhỏ mũi chứa thành phần gây co mạch, giảm sung huyết. Thay vào đó, nên dùng nước muối sinh lý để rửa mũi hằng ngày cho trẻ, nhất là với bé sơ sinh. Đặc biệt, với nhóm thuốc Naphazoline, không được dùng cho trẻ nhỏ hơn 7 tuổi. Các ca ngộ độc thuốc nhỏ mũi co mạch thường xảy ra ở nhóm từ 1 tháng đến 3 tuổi do người nhà tự ý dùng. Chỉ cần nhỏ 2 giọt là đã đủ gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng trẻ.

TS Dũng cho biết một hiện tượng khá phổ biến ở các gia đình có trẻ nhỏ là tình trạng tùy tiện sử dụng thuốc kháng sinh. “Nhiều trẻ bị sốt virus nhưng vẫn được cha mẹ cho sử dụng thuốc kháng sinh, trong khi kháng sinh hoàn toàn vô dụng với virus” - TS Dũng giải thích.

Đừng quá tin thuốc “hiền”

Bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng ngay cả những loại thuốc mà mọi người vẫn nghĩ là “hiền” như vitamin, thuốc bổ, các loại thuốc bôi, cao xoa, dầu xoa… cũng đều có nguy cơ gây dị ứng, ngộ độc cho cơ thể trẻ.

Do não trẻ chưa phát triển đầy đủ nên tác dụng và độc tính của thuốc trên hệ thần kinh mạnh hơn. Vì vậy, khi dùng các dược phẩm có tác dụng trên thần kinh trung ương như thuốc an thần, thuốc ngủ, Paracetamol, Chloramphenicol... phải có hướng dẫn của thầy thuốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN