Đua nhau ăn ấu trùng ve sầu ngừa ung thư
Thời gian gần đây, người dân ở địa phương thuộc tỉnh Bình Dương và Đồng Nai bỗng đổ xô đi săn ấu trùng ve sầu.
Những lời đồn đại loại ấu trùng này có thể chữa được cả bệnh ung thư bay về đúng vào thời điểm ve sầu xuất hiện hàng loạt do chuyển mùa đã tạo nên một “cơn sốt” kì dị. Đã xuất hiện thương lái đặt mua hàng trăm ngàn mỗi kg khiến việc bắt ấu trùng ve trở thành một nghề kiếm ra tiền, càng khiến cho cơn sốt ngày càng nóng. Hậu quả là đã có hàng chục người bị ngộ độc nặng, có trường hợp tử vong.
“Sốt” ve sầu
Khu vực rộ lên phong trào tìm ấu trùng ve sầu một cách rầm rộ nhất: Thị trấn Mỹ Phước, các xã Thới Hòa, Hòa Lợi (huyện Bết Cát, Bình Dương) và một số vùng lân cận của tỉnh Đồng Nai. Không hiểu nguyên nhân gì mà thời gian gần đây, tại các xã này, ve sầu tụ về lột xác rất nhiều trên các tán cây, mặt đất. Việc ve sầu xuất hiện nhiều đúng lúc tin đồn ăn loại ấu trùng này chữa được bệnh ung thư đang rộ lên đã khiến người dân ở đây lên “cơn sốt thần dược” thật sự.
Ông Võ Chí Tâm- Chủ tịch UBND xã Thới Hòa cũng thừa nhận: Tình trạng người dân đổ xô đi bắt ve sầu như vậy có lẽ do một số người kinh doanh buôn bán chuyên cung cấp cho các nhà hàng. Còn việc ăn loài ve có chữa được bệnh ung thư hay không thì vẫn chưa có cơ quan chuyên môn nào khẳng định. Khi biết thông tin về đã có người chết vì ăn ấu trùng ve, ông Tâm cho biết địa phương sẽ tức tốc tuyên truyền để người dân cảnh giác và thay đổi ý thức sớm nhất. |
Để hiểu rõ hơn câu chuyện, chúng chúng tôi quyết định về địa bàn, hòa vào dòng người săn ấu trùng ve sầu để tìm hiểu. Trời chập choạng tối, sau một trận mưa nhỏ, như lời hẹn trước với ông Nguyễn Văn Bảy (56 tuổi, ở thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, Bình Dương) tôi chuẩn bị đèn pin, túi ni-lon và một ít nước uống đi săn ấu trùng ve. Bãi săn mà chúng tôi tìm đến là một khu vực như công viên ở thị trấn Mỹ Phước, người dân nơi đây thường gọi là khu vực Bờ Hồ hoặc Hố Sỏi. Vì khu vực này có nhiều cây xanh nên ve sầu tụ về rất nhiều, kéo theo đó là những người đi bắt ấu trùng cũng kéo đến.
Đến nơi khi trời vừa chập choạng, tôi đã thấy một số nhóm người đang bắt đầu lùng sục ở các lùm cây mong tìm những chú ve nở sớm. Ông Bảy cho biết: “Dạo này người đi tìm ve đã giảm, chứ khoảng 1 - 2 tháng, cứ giờ này ở đây náo nhiệt lắm rồi. Không chỉ dân quanh khu vực mà người người từ các nơi đổ xô về bắt ve, cứ rầm rập như đi chiến dịch. Thậm chí có người ở tận thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) nghe tiếng khu vực này lắm ve sầu cũng tìm đến. Có người còn đi cả ô tô, ào vào tìm ve rồi lại ào về. Có thời điểm phải đến hàng trăm người tham gia tìm ve trong khu vực này. Trung bình mỗi người kiếm được khoảng 200g/một tối, có người giỏi thì bắt được cả ký”.
Bệnh nhân ngộ độc do ăn ấu trùng ve đang được điều trị. (Ảnh Internet).
Ông Bảy cho biết, sở dĩ ấu trùng ve sầu đang “sốt xình xịch” vì thời gian qua có thông tin không biết từ đâu được người dân rỉ tai nhau là ăn nó có tác dụng chữa và phòng được bệnh ung thư. “Ai mà chả có bệnh này bệnh khác trong người, không nhẹ thì nặng, nên nghe nói ấu trùng ve sầu phòng được cả ung thư thì cứ bắt và mua về ăn. Đối với người ở quê thì chắc rằng hồi bé ai cũng đã ăn một đôi lần nên không quá xa lạ, giờ nghe nói vậy thì cứ ăn thôi, nó đã tốt thì ăn vào không tốt này chỗ cũng tốt chỗ khác”, ông Bảy cười khà bình luận. Ông cũng cho biết thêm, nhộng ve sầu là món ăn lạ, rất béo, đặc biệt là nhộng mới lột. “Chúng tôi bắt ve về rửa sạch, thêm ít dầu mỡ và gia vị vào, trong nháy mắt đã có ngay món ăn tuyệt cú. Còn chữa được ung thư hay không thì tôi cũng không biết nữa nhưng cũng có nhiều người có người thân mắc bệnh nặng người ta tới bắt để về làm thuốc”.
Biết chết cũng không sợ!
Chuyện ăn nhộng ve sầu tốt cho sức khỏe chỉ là tin đồn, chưa có cơ quan nào kiểm chứng nhưng đã có nhiều người phải nhập viện và thậm chí tử vong là điều hoàn toàn xác thực. Theo thống kê của cơ quan chức năng, thời gian qua các xã thuộc vùng giáp ranh hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã có hàng chục trường hợp bị ngộ độc nặng phải nhập viện sau khi ăn ấu trùng ve sầu. Tất cả các bệnh nhân đều có biểu hiện nôn ói, chân tay co giật, run, mắt dãn đồng tử. Đặc biệt, đã có một trường hợp tử vong là ông Nguyễn Ngọc T. (SN 1943, phường Trung Dũng, TP. Biên Hòa, Đồng Nai), sau gần một tháng điều trị tại bệnh viện. Đây là nạn nhân trong vụ ba người bị ngộ độc nặng sau khi bắt nhộng ve sầu làm mồi nhậu mà báo chí đưa tin cách đây chưa lâu.
Bác sĩ Hoàng Đại Thắng. Ảnh HQ
Chị Trương Thị Dy Linh (38 tuổi, TP. Biên Hòa), một trong ba nạn nhân bị ngộ độc cùng với ông Nguyễn Ngọc T, vẫn chưa hết bàng hoàng kể: Hôm đó, ba chị bắt nhộng ve sầu ở vườn nhà làm mồi nhậu rồi mời bạn là ông Nguyễn Ngọc T. ăn. Chị thấy cha và ông T. ăn khen ngon nên cũng ăn thử một con. Ăn xong một lúc cả ba người đều bị lên cơn co giật, người nhà phải tức tốc đưa đi bệnh viện cấp cứu. Ông T. ăn nhiều nhất nên bị ngộ độc nặng nhất.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH Cuối tuần, bác sĩ Hoàng Đại Thắng- Trưởng Khoa Hồi sức- Chống độc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, bản thân nhộng ve sầu không có độc tố gây chết người. Tuy nhiên có một loài nấm có tên khoa học là gyrommitrin thường sống ký sinh trên thân ve sầu thì rất độc. Nếu không may ăn phải những con bị nhiễm loại nấm này thì nguy cơ bị ngộ độc rất cao. Theo kinh nghiệm dân gian, có nhiều loại nhộng của các loại côn trùng như: Bọ cạp, đuông dừa, dế, ve… có thể dùng để làm thức ăn và có chất bổ. Tuy nhiên, các loài côn trùng này sống trong môi trường đất dễ nhiễm và bị nấm ký sinh rất cao. Độc tố của nấm kí sinh không bị phá hủy bởi nhiệt độ nên không mất dù những loại ấu trùng này được chế biến kĩ trước khi ăn.
Một loại nấm độc trên đầu ấu trùng ve sầu. (Ảnh do Bs Thắng cung cấp)
Theo các chuyên gia, những ấu trùng ve bị nấm kí sinh thường có hình dáng khác thường: Đầu nhỏ, phần về cuối đuôi hơi phình ra. Nếu ăn phải loại này chắc chắn bị ngộ độc, tùy vào lượng ăn và độc tố của nấm có trên thân thể con nhộng mà mức nặng nhẹ khác nhau. Nếu ăn phải vài con, không cấp cứu kịp thời thì rất nguy hiểm đến tính mạng. Với kiểu bắt ấu trùng ve vô tội vạ như hiện này thì rất khó để nhận biết được con nào bị nhiễm nấm, con nào không. Thế nhưng, dù đã có người tử vong và hàng loạt người bị ngộ độc phải nhập viên nhưng không hiểu sao nhiều người dân vẫn mặc nhiên coi thường. “Tui ăn hoài sao chẳng việc gì, nếu chết thì ở đây mỗi ngày có cả trăm người bỏ mạng rồi?!”, ông Bảy trả lời khi tôi đề cập đến chuyện ngộ độc nhộng ve sầu. Ông Bảy còn khẳng định, nhộng ve sầu được người ta xem là đặc sản. Nhiều người còn bắt ve về tẩm bột chiên giòn để đãi khách trong những mâm nhậu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, điều nguy hiểm ở chỗ hiện tại chợ khu vực xã Thới Hòa, Hòa Lợi và thị trấn Mỹ Phước (huyện Bến Cát, Bình Dương), có người còn mang nhộng ve sầu đi bán với giá khoảng 100.000 đồng/kg. Đã xuất hiện đội ngũ thương lái đến các khu vực này lập mối thu mua khiến cho cơn sốt nhộng ve sầu vẫn không hề giảm xuống. Nhiều gia đình xem bắt ấu trùng ve là một nghề mới tăng thêm thu nhập. Như gia đình ông Bảy, đêm nào cũng huy động người con trai lớn, cô con dâu và thêm đứa cháu nữa đi bắt nhộng ve sầu. Chỉ mất khoảng tiếng đồng hồ, gia đình ông có thể bắt được từ 0,5-1kg mỗi đêm.
Kì công săn ấu trùng ve loại một Nếu đi sớm hơn thì nhộng ve chưa chui ra khỏi kén mà muộn hơn thì chúng đã lột xác thành ve trưởng thành rồi bay mất. Thời gian để một con ve non trưởng thành chỉ độ chừng 30 phút đồng hồ. Những loại nhộng ve đã cứng thì ăn cũng không còn ngon nữa nhưng vì “không bổ dọc cũng bổ ngang” nên chúng vẫn bị những người đi săn bắt hết. |