Dịp nghỉ lễ 30/4: Người dân cần biết điều này để phòng COVID-19

Sau vài năm đại dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của người dân giữa các địa phương cũng như du khách nước ngoài đến nước ta dự báo sẽ nhiều hơn, như vậy nguy cơ dịch bệnh sẽ gia tăng.

Tại hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế với 63 tỉnh, thành chiều 26/4 về công tác phòng chống dịch trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và Giỗ Tổ Hùng Vương, Bộ Y tế cho biết, số ca mắc COVID-19 có chiều hướng gia tăng trở lại và đã ghi nhận 2 ca tử vong sau gần 4 tháng không có trường hợp tử vong nào, trong đó có trường hợp có bệnh nền nhưng không tiêm mũi vắc-xin phòng COVID-19.

Các biến thể phụ của Omicron xuất hiện tại TP.HCM đều là những biến thể phụ đã có mặt trên nhiều quốc gia trên thế giới và được Tổ chức Y tế Thế giới xếp vào nhóm các biến thể đáng quan tâm cần được theo dõi. Hiện nay, chưa có thông tin hay bằng chứng rõ ràng là biến thể phụ này làm tăng mức độ nặng của bệnh.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Bộ Y tế và các chuyên gia dịch tễ, truyền nhiễm… tiếp tục đề nghị các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiêm vắc-xin cho người thuộc nhóm nguy cơ cao để bảo vệ chặt chẽ hơn nữa những đối tượng này trước diễn biến tăng về số ca mắc.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân đề nghị, trước diễn biến gia tăng ca mắc COVID-19 thời gian gần đây, các địa phương cần tăng cường giám sát trong bối cảnh kỳ nghỉ lễ kéo dài, đặc biệt là sau vài năm đại dịch COVID-19, nhu cầu đi lại của người dân giữa các địa phương cũng như du khách nước ngoài đến nước ta dự báo sẽ gia tăng, như vậy nguy cơ dịch bệnh sẽ gia tăng. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ lễ, khi người dân trở lại làm việc, công tác phòng, chống dịch cần được tăng cường và kiểm soát chặt chẽ hơn.

Cùng đó, sau kỳ nghỉ lễ các trường học bước vào kỳ thi, do đó ngành y tế các địa phương tiếp tục tăng cường phối hợp với ngành giáo dục – đào tạo để đảm bảo sự an toàn phòng chống dịch trong nhà trường.

GS.TS Phan Trọng Lân đề nghị các Viện Pastuer, Viện Vệ sinh dịch tễ khu vực cần phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành đã được phân công tăng cường giám sát, đánh giá thêm các ca nhập viện, ca nặng. Từ đó có dữ liệu để tuyên truyền cho người dân về phòng chống dịch, tiêm vaccine. Đồng thời tăng cường lấy mẫu, giải trình tự gen các mẫu ca bệnh để kịp thời có các thông tin về biến thể.

Về tiêm vắc-xin phòng COVID-19, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nêu rõ, chúng ta tiêm vaccine cao do đó vaccine vẫn có tác dụng trước biến thể Omicron. Tuy nhiên, đề nghị các địa phương công bố công khai, cập nhật các địa điểm tiêm vắc-xin để người dân dễ tiếp cận.

Theo các chuyên gia, việc thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19 nên được thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ tới đây. Những người chưa tiêm đủ mũi vắc-xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế nên khẩn trương tiêm đủ mũi để phòng bệnh tốt nhất.

Người dân cần thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn trong các cơ sở y tế, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các địa điểm, sự kiện tập trung đông người...

Ngoài ra, việc mắc COVID-19 có triệu chứng hay không có triệu chứng tùy thuộc vào cơ địa từng người (bao gồm tình trạng miễn dịch có được do tiêm ngừa vắc-xin COVID-19 và từng mắc COVID-19 trước đó), chủng lây nhiễm…

Vì thế, nếu làm xét nghiệm COVID-19 mà dương tính thì dù không có triệu chứng, bạn vẫn cần phải tuân thủ việc cách ly tại nhà 5-7 ngày, xét nghiệm lại sau khoảng thời gian đó để đánh giá tình trạng lây nhiễm. Bởi dù không có triệu chứng, bạn vẫn có thể lây bệnh cho người khác.

Nguồn: [Link nguồn]

10 triệu chứng COVID-19 bất thường cần phải lưu ý

Biến thể BA.2 - một biến thể phụ của Omicron – đang tiếp tục lan rộng khắp thế giới trong những tuần gần đây, trở thành chủng COVID-19 chiếm ưu thế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo DIỆU THU ([Tên nguồn])
Cách phòng tránh Covid-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN