Điều cần làm để cuộc sống không quá căng thẳng vì dịch bệnh

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều người cảm thấy căng thẳng, lo lắng. Khi để rơi vào tình trạng căng thẳng stress, sẽ tạo bệnh lý cho cơ thể và tâm thần. Để vượt qua, cần thực hiện những giải pháp đơn giản dưới đây.

Điều cần làm để cuộc sống không quá căng thẳng vì dịch bệnh - 1

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đủ mối nguy khi căng thẳng ngày dịch

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên toàn thế giới, tâm lý dễ nhận thấy là sự lo lắng. Người dân lo về diễn biến dịch phức tạp lo cho sự an nguy của mình, những người thân hay những phiền phức khác trong đời sống, kinh tế, công ăn việc làm… Khổ vì bệnh dịch một phần nhưng khổ về những phiền toái từ bệnh dịch cũng khiến nhiều người dẫn tới căng thẳng.

TS Xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính Quốc gia, chuyên viên tâm lý Nhà văn hóa Phụ nữ TP HCM) cho biết, trong tình hình dịch bệnh này, mọi thứ đều "bất định" từ tương lai, tiền bạc, tài sản, tính mạng… Con người dễ rơi vào trạng thái tâm lý lo âu, sợ hãi, stress, trầm cảm và tùy từng người mà mức độ khác nhau.

Phân tích rõ hơn về những mối nguy từ sự căng thẳng ngày dịch, TS Phạm Thị Thúy cho rằng, điều quan trọng nhất là phải giữ được được sự bình tĩnh để có hệ miễn dịch tốt thì nhiều người không làm được. Khi để rơi vào tình trạng căng thẳng, stress sẽ tạo bệnh lý cho cơ thể và tâm thần. Chúng ta có thể gặp những bệnh lý về thể chất như đau đầu, đau vai, gáy… do đời sống tâm lý không được tốt, mất ngủ.

Nhiều hành vi lo âu, sợ hãi, căng thẳng khi lên mạng theo dõi, cập nhật tin tức về dịch hoặc khi nghe tin đồn xung quanh có ai nhiễm, cách ly… hay có thể là vấn đề về thất nghiệp, căng thẳng trong gia đình… dễ dẫn tới xung đột. Trong trạng thái tiêu cực sẽ xảy ra những bệnh về tâm trí bên trong như mất ngủ, mau quên, kém tập trung, stress, trầm cảm. Nếu không giải tỏa được, mức độ stress nặng thậm chí có thể đe dọa tính mạng.

Dịch COVID - 19 gây ra không chỉ là cơn ác mộng với người lớn mà cả với trẻ em. Những nguy cơ ở trẻ là ở nhà quá lâu ngày mùa dịch không chỉ làm đảo lộn sinh hoạt, trẻ dễ ảnh hưởng về thể chất, tâm trí và sự an toàn cho trẻ.

Trẻ nhỏ đang quen với trường lớp, bạn bè phải nghỉ học dài ngày. Trẻ cảm thấy tù túng trong nhà. Có trẻ vẫn được bố mẹ đưa ra ngoài những nơi không đồng người lắm hay vẫn giữ thói quen cho trẻ đi tản bộ nhưng không phải gia đình nào cũng có cơ hội đó. Nhiều gia đình bố mẹ không được nghỉ làm, phải ở nhà tự trông nhau là những nguy cơ cao cho trẻ về sự an toàn. Có nhiều trẻ về vùng quê gặp phải những tai nạn không đáng có như đuối nước…

Ngoài ra, trẻ dễ sinh chán nản, mệt mỏi, nhất là với những đứa trẻ phải học online quá nhiều trong khi chưa quen. Nếu có được bố mẹ hỗ trợ thì tốt nhưng nhiều trẻ phải "tự bơi" trong khó khăn đó. Hơn nữa, học onine ở nước ta vẫn còn bị động, chưa đồng đều và phương tiện máy tính, mạng không phải ở đâu cũng thuận lợi… "Trong ngày nghỉ dịch, cha mẹ thường có xu hướng cho trẻ ngủ thoải mái dẫn tới rối loạn giờ ăn, giấc ngủ. Trẻ ít vận động, xem tivi cùng các thiết bị điện tử nhiều sinh ra hại mắt hoặc có thể trẻ vào xem những điều không lành mạnh trên mạng mà cha mẹ không thể kiểm soát được do đi làm", TS Phạm Thị Thúy cho hay.

Sự căng thẳng nguy hiểm hơn bạn tưởng?

TS Phạm Thị Thúy cho biết, để cuộc sống không quá căng thẳng trong những ngày dịch đang diễn ra phức tạp hiện nay, điều quan trọng nhất là mọi người cần giữ được sự bình tĩnh, sáng suốt. Mọi người nên cập nhật thông tin chính thống và hiểu tình hình dịch bệnh để cẩn thận bảo vệ mình và mọi người. Nhắc nhau cẩn thận hơn, làm tốt các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế như rửa tay với xà phòng thường xuyên, đeo khẩu trang khi cần thiết, không đến nơi đông người, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, thường xuyên tập thể dục… Hãy cố gắng duy trì và tạo thành thói quen hàng ngày các khuyến cáo đó cho mình, người thân.

Lúc này, mọi người nên hạn chế xem những tin đồn, tin bài chưa được kiểm chứng, bài phân tích mang tính tiêu cực. Việc càng đọc, càng xem những thông tin tiêu cực đó càng bi quan, chán nản, lo hãi. Cần tìm đến những bài viết có tính chất tích cực, động viên tinh thần. Bản thân mỗi người cần có trách nhiệm để lọc thông tin. Mọi thông tin đến với mình như "thức ăn" cho não. Nếu chúng ta "ăn" những "thức ăn" lộn xộn, không tốt sẽ dẫn tới những bệnh về tâm trí, tâm thể.

"Bản thân tôi, ngày đầu cũng thường xuyên cập nhật tin tức về dịch nhưng khi đã biết nguy cơ, số liệu bệnh… rồi lại thiên về đưa những tin bài giúp cho mọi người biết cách phòng tránh, vui vẻ hơn, thư giãn hơn. Tôi cũng hạn chế đưa những thông tin xấu, tiêu cực dù đó là thông tin chính thống. Thay vào đó, mọi người hãy tạo ra sự sum vầy trong gia đình như cùng nhau xem bộ phim hay, chương trình ca nhạc, chơi cùng con… Hạn chế đi lại là cách giữ an toàn cho mình, người thân, mọi người trong những ngày dịch này", TS Phạm Thị Thúy cho hay.

Về việc giúp cho trẻ vượt qua căng thẳng trong dịch COVID-19, Bộ Y tế mới đây cũng đã đưa ra khuyến cáo chung:

Trẻ em có thể phản ứng với sự căng thẳng theo nhiều cách khác nhau, như trở nên đeo bám, lo lắng, thu mình, tức giận hay dễ bị kích động hơn, hoặc tè dầm nhiều hơn... Hãy đáp lại các phản ứng của trẻ theo cách cảm thông, hãy lắng nghe các lo lắng của trẻ và dành cho trẻ thêm tình yêu thương và sự quan tâm. Hãy nhớ cần lắng nghe, nói chuyện nhẹ nhàng và trấn an trẻ. Nếu có thể, hãy tạo điều kiện để trẻ vui chơi và nghỉ ngơi.

Cố gắng thu xếp cho trẻ ở gần cha mẹ và gia đình, tránh việc chia cách trẻ với người chăm sóc. Nếu phải chia tách (như phải nhập viện), hãy đảm bảo có sự liên hệ thường xuyên (như qua điện thoại) để trấn an trẻ.

Lên kế hoạch và duy trì lịch trình hoạt động hàng ngày, hoặc tạo ra những lịch trình mới ở các môi trường mới, như học tập và vui chơi giải trí an toàn.

Nói thật với trẻ về việc đã xảy ra, dùng từ ngữ phù hợp với lứa tuổi của trẻ để giải thích cho trẻ biết việc gì đang diễn ra, kèm những thông tin rõ ràng về cách thức để giảm các nguy cơ bị nhiễm bệnh.

Điều này bao gồm việc cho trẻ biết thông tin về những điều có thể xảy ra (như một thành viên gia đình và/hoặc chính các em có thể sẽ cảm thấy không khỏe và có thể sẽ phải vào bệnh viện một thời gian để bác sỹ giúp người đó được khỏe mạnh hơn).

Nguồn: [Link nguồn]

Khi nào xác định một người nhiễm Covid-19 tại Việt Nam?

Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế nói về quy trình công bố một người người nhiễm Covid-19...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Thuận ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN