Đi làm răng, nuốt phải... mũi khoan nha sĩ

Sự kiện: Tin ngắn

Ca thủ thuật nội soi của các bác sĩ khoa Tiêu hóa, Bệnh viện An Bình (TP HCM) đã lấy ra được một mũi khoan nha khoa dài 3cm từ dạ dày của nữ bệnh nhân.

14 giờ chiều 8-12, một nữ bệnh nhân sinh năm 1960, ngụ quận 1, TP HCM nhập viện tại Bệnh viện An Bình với lý do nghi ngờ nuốt phải dị vật kim loại. Theo chị kể, trưa cùng ngày, chị có đi làm răng và trong quá trình thực hiện, nha sĩ đã loay hoay tìm dụng cụ đột nhiên thất lạc. Sau đó, chị cảm thấy khá đau khi nuốt vào, tuy nhiên cơn đau bớt dần và còn rất ít nên chị rất băn khoăn, lưỡng lự không biết có nên đi bệnh viện không.

Đi làm răng, nuốt phải... mũi khoan nha sĩ - 1

Mũi khoan nằm trong dạ dày bệnh nhân

Cuối cùng chị gọi điện thoại hỏi ý kiến một người bạn là bác sĩ, và được khuyên nên đi kiểm tra, bởi cơn đau chị gặp phải dù không lớn nhưng có thể là biểu hiện nên nghi ngờ đến dị vật. Kết quả chụp X-quang cho thấy, có vật bằng kim loại nhỏ trong dạ dày bệnh nhân nên các bác sĩ quyết định thủ thuật nội soi để lấy dị vật.

BS Nguyễn Hữu Tiếng, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện An Bình, kể lại: hình ảnh nội soi cho thấy trong dạ dày bệnh nhân là một mũi khoan nhọn dài đến 3cm và đã gây một số tổn thương cho dạ dày. Quá trình lấy ra khá khó khăn và phải nhờ đến một dụng cụ chuyên dụng, trùm phần nhọn của mũi khoan lại khi đi qua đoạn hẹp của thực quản. Cuối cùng, ê kíp thủ thuật cũng loại bỏ thành công dị vật. Theo BS Tiếng, may mắn là bệnh nhân đã quyết định đi kiểm tra sớm, bởi dị vật nhọn và nguy hiểm như mũi khoan nếu để đi vào ruột non sẽ cực kỳ nguy hiểm, có thể gây thủng ruột, và hậu quả xấu nhất là gây áp xe, viêm phúc mạc… đưa đến nguy cơ tử vong.

Qua ca bệnh trên, BS Tiếng khuyên rằng, khi nghi ngờ mình nuốt phải dị vật vào đường tiêu hóa, cảm thấy đau, tốt nhất nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra vì càng để lâu, dị vật càng đi vào sâu trong đường tiêu hóa, càng khó lấy ra, dễ gây tổn thương trên đường đi cũng như nhiều biến chứng nguy hiểm. Không nên dùng cơm, chuối… để cố “nuốt trôi” dị vật, còn việc khạc dị vật ra – cho dù chỉ là một mẩu xương nhỏ - cũng chỉ có tác dụng khi dị vật còn ở vùng hầu họng. Khi dị vật đã đi qua cơ vòm thực quản, việc cố khạc có thể khiến nó đâm sâu, gây thêm tổn thương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo A. Thư (Người lao động)
Tin ngắn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN