Đề phòng dịch đau mắt đỏ bùng phát: Không tự ý chữa trị

Theo các bác sĩ chuyên khoa mắt, mùa mưa (tháng 7, 8, 9) là thời điểm dịch đau mắt đỏ - hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp - bùng phát mạnh.

Công sở, lớp học, nơi công cộng là những môi trường khiến bệnh lây lan rộng. Tuy nhiên, vẫn không thiếu các trường hợp tự ý dùng thuốc chữa trị dù đã được các bác sĩ khuyến cáo.

Tự ý dùng thuốc, đau một thành hai

Mấy hôm nay, em Nguyễn Ngọc H (học sinh lớp 4, Trường tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa, Hà Nội) phải nghỉ học ở nhà vì bị đau mắt đỏ. Theo chị Hoàng Thị Tâm (mẹ cháu H) con mình bị lây bệnh từ các bạn trong lớp. Những ngày này, sĩ số lớp cháu H giảm hẳn do đau mắt đỏ lây lan.

10h sáng 12/9, tại phòng khám Bệnh viện Mắt Hà Nội, cả 5 bệnh nhân đang chờ khám đều bị đau mắt đỏ. Chị Hồ Thị Hải (30 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng) bị đau mắt đỏ hơn một tuần, hai mắt sưng húp. Chị cho biết: “Bệnh bắt đầu từ con gái út, tôi đã nhỏ nước muối sinh lý cho con. Sau đó, tôi và con gái lớn bị lây”. Ngồi kế bên chị Hải, sinh viên Nguyễn Hồng Minh (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết: “Ban đầu em chỉ thấy mắt phải bị ngứa và cộm. Em nghĩ chỉ bị bụi vào mắt thôi nên đã tự tra thuốc muối sinh lý và nhỏ thuốc mắt điều trị. Tuy nhiên, bệnh không khỏi mà sau đó mắt trái cũng bị luôn. Đau nhức mắt quá nên em đến đây khám”.

Theo BS Trịnh Bích Ngọc – Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội, từ đầu tháng 8 đến nay, ngày nào bệnh viện cũng đón tiếp khoảng 25-30 bệnh nhân đau mắt đỏ tới khám. Đó là chưa kể, thời điểm này đang là mùa mưa nên bệnh nhân cũng ngại đi khám.

TS.BS Phạm Ngọc Đông – Trưởng khoa Kết giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết: “Bệnh đau mắt đỏ hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp xảy ra do nhiễm virus. Bệnh lây lan nhanh chóng trong cộng đồng. Ban đầu chỉ là mắt cộm, đỏ, ngứa, chảy nước mắt một chút, bệnh nhân vẫn nhìn thấy bình thường, thị lực không suy giảm. Nếu để nặng hơn có thể bị phù mắt đỏ, bệnh nhân có thể có màng trong mắt”.

Đề phòng dịch đau mắt đỏ bùng phát: Không tự ý chữa trị - 1

Khi có biểu hiện đau mắt đỏ cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế, tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị.  Ảnh: TL

Phải đến các cơ sở y tế

Theo ThS.BS Hoàng Minh Anh - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Mắt Trung ương), thời gian ủ bệnh bệnh đau mắt đỏ thường kéo dài 3 ngày ở tất cả các lứa tuổi. Tuy nhiên ở lứa tuổi trẻ em hay đang đi học, tỷ lệ mắc nhiều hơn vì khả năng tự phòng và tự bảo vệ bệnh của các cháu chưa tốt. Cũng theo các bác sĩ, các yếu tố thời tiết nắng nóng chuyển qua mưa, độ ẩm không khí tăng cao, môi trường nhiều khói bụi, điều kiện vệ sinh kém, sử dụng nguồn nước ô nhiễm... là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát triển và bùng phát thành dịch. Bên cạnh đó, khi giao mùa, cơ thể con người, nhất là những người nhạy cảm với thời tiết, dễ mệt mỏi, hệ thống miễn dịch hoạt động yếu nên virus tấn công dễ dàng hơn.

“Với các cháu nhỏ bị đau mắt đỏ, phụ huynh phải đưa các cháu đến cơ sở y tế chuyên khoa khám và có hướng điều trị. Để tránh bội nhiễm, cha mẹ nên cho cháu nhỏ thuốc mắt sinh lý sát khuẩn 9%o hoặc dung dịch tobrex nhóm tobramycin”.

BS Trịnh Bích Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội

BS Trịnh Bích Ngọc quan ngại: “Người dân vẫn chủ quan tự pha nước muối để tra mắt, thậm chí còn tự ra mua thuốc về tra vào mắt mà không biết thuốc có thể có các tác dụng phụ gây biến chứng. Có nhiều người khi đến bệnh viện, giác mạc đã bị ảnh hưởng, thị lực suy giảm. Những năm gần đây, ngoài biểu hiện đau mắt đỏ bình thường do virus, có những bệnh nhân còn bị sưng húp mắt, chảy dịch hồng như máu ở khóe mắt”.

Theo khuyến cáo của BS Phạm Ngọc Đông, khi bị đau mắt, bệnh nhân thường tự đưa tay lên để tra thuốc và lau mắt nên sau đó phải rửa tay ngay bằng nước sạch và xà phòng. Không chỉ có bệnh nhân, người nhà cũng phải rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng. Những dụng cụ hay sử dụng của bệnh nhân như khăn mặt, ga gối cần được làm sạch. Khi bệnh nhân thấy có biểu hiện đau mắt đỏ phải đến ngay cơ sở y tế kiểm tra tránh tự ý chữa bệnh và để bệnh lây lan.

Các bác sĩ khuyên bệnh nhân không nên pha nước muối loãng để rửa mắt vì nếu nồng độ nước muối không phù hợp có thể gây bỏng rát mắt. Tốt nhất nên sử dụng nước muối sinh lý theo chỉ định của bác sĩ. Nếu cả gia đình đều bị mắt đỏ cũng không được dùng thuốc nhỏ mắt chung. Người bệnh cần uống nhiều nước, nghỉ ngơi, tránh khói bụi, đeo kính mát giúp mắt bớt kích thích với ánh sáng chói hoặc có thể chườm đá lạnh cho mắt dễ chịu hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Nhiên (Gia đình & Xã hội)
Bệnh đau mắt đỏ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN