Dân mắc lừa với thực phẩm sạch tự phong
Khi người tiêu dùng đang đứng trước khó khăn lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn bởi các loại dịch tai xanh, cúm gia cầm… thì thị trường rộn ràng với hàng loạt thực phẩm… sạch. Mà cái sự “sạch” này là do nhà sản xuất hoặc người bán… tự phong!
Chữ “tín” đè chữ “tím”!
Trong vai người mua hàng, chúng tôi dừng chân trước cửa hàng thịt gà đầu chợ Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội), chị chủ quầy hàng đon đả: “Gà xịn, sạch 100%. Mua đi chị lấy giá mềm cho”. Khi chúng tôi băn khoăn: “Dấu kiểm dịch nhòe thế này nhìn chẳng rõ chị nhỉ?” thì được nhận ngay một tràng: “Dấu má nhiều khi không quan trọng, chẳng qua nó cũng chỉ là chữ mực tím. Chị sống bằng nghề này, gần chục năm ngồi đây rồi, bán hàng phải có chữ tín chứ em”. Rồi nữa, “nhà chị ở gần đây, quanh khu này toàn ăn gà của chị đấy, em thấy lòng mề còn tươi nguyên, nhà chị thịt đấy”. Thấy chúng tôi lưỡng lự, chị bán hàng thề sống thề chết: “Chị bảo rồi, em cứ mua ăn là biết gà chị sạch, đảm bảo chất lượng”… Trời ạ, ghê cho cái sự “ăn là biết” và việc xác tín bằng mồm về độ sạch thực phẩm của người bán!
Muốn chọn đồ tin tưởng, người nội trợ phải chấp nhận giá cao.
Đến chợ Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) những ngày này, dãy hàng thịt lợn rơi vào cảnh ế ẩm nên khi thấy “gà béo” như chúng tôi, các chị bán hàng nhao nhao gọi: “Thịt lợn sạch đây em ơi”; “Mua lợn sạch cho chị đi”. Chúng tôi ghé vào một cửa hàng ở giữa dãy hàng thịt, chị chủ hàng tươi cười nói: “Lợn sạch đấy em mua đi”. Chúng tôi hỏi “Làm sao để biết là lợn sạch chị?” thì chị bán hàng hồ hởi: “Mỡ dày, trắng, nạc hồng đều, thớ mịn tươi ngon. Em cứ nhìn như thịt lợn của chị ấy”. Khi tôi hồ nghi, chị bĩu môi: “Ôi dào một con lợn một cái dấu chứ vài cái cũng không ổn vì cắt ra từng miếng rồi làm sao mà biết được. Tốt nhất là em cứ mua bằng kinh nghiệm hoặc mua hàng ở quầy tin tưởng”.
Không chỉ hàng thịt mà đến các hàng tôm, cá... khách hàng cũng luôn được mời chào bởi những lời câu khách đánh trúng vào tâm lý: Cá sông, cá ao chính hiệu đấy, em mua đi chị mổ ra là biết liền, cá sông cá đồng ít mỡ, dầy thịt, bụng thon…
Độc chiêu hay “cảm tính”?
Bà Nguyễn Thị An, phố Vũ Hữu, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ: “Bây giờ đi chợ ở đâu cũng mời họ bán đồ sạch nhưng không biết đâu mà lần. Chẳng lẽ cả chợ có đồ sạch? Bây giờ ra chợ đúng không biết ăn gì cho lành. Ăn thịt lợn thì sợ dịch tai xanh, ăn gà thì sợ cúm”.
Thế rồi, bà An cũng chỉ còn cách duy nhất để phân biệt là… cảm tính. “Do không thể dừng ăn cho nên ngày nào tôi phải đi chợ từ sáng sớm. Ở chợ gần nhà tôi có vài mối bán cá, tôm sông, cá đồng tôi thấy tin tưởng. Nhưng những hàng này rất đắt khách, chỉ bán vài tiếng là hết veo dù thường bán đắt gấp 1,5 lần so với các hàng đại trà khác”, bà An chia sẻ.
Có người thì chọn thực phẩm sạch bằng cách liên hệ với người nhà ở quê chăn nuôi được hoặc biết rõ nguồn gốc thực phẩm mua hộ để gửi gạo, gà, lợn quê, tôm cua cá… ở quê lên để sử dụng. Nhưng không phải ai cũng có cơ hội chọn thực phẩm sạch cho mình. Những người thu nhập thấp tiền chi tiêu hàng tháng đang còn phải đau đầu để khỏi thâm hụt chứ đừng nói tới chuyện kỳ công đi tìm đồ ăn an toàn.
Quá khó để buộc người tiêu dùng phải trở nên “thông thái” khi lựa chọn thực phẩm cho gia đình mình. Họ buộc phải trông chờ vào các cơ quan chức năng nhưng mọi thứ lại dường như bỏ ngỏ. Những yếu kém trong khâu kiểm nghiệm hóa chất tồn dư trên thực phẩm của các phòng thí nghiệm hiện nay đang hiển hiện hàng ngày.