Cốc, đĩa, bát giấy: Đựng đồ nóng bị thôi nhiễm hóa chất

Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội), các loại cốc, đĩa, bát giấy dùng một lần đang rất được chuộng vì tiện, rẻ tiền nhưng chỉ nên dùng đựng đồ nóng ở ngưỡng 40 độ C.

Rất phổ biến ở nước ngoài

 

Chị Thục Trinh (Quan Nhân, Hà Nội) cho biết, dịp họp lớp vừa qua cánh phụ nữ chỉ phải lo mua đồ ăn sẵn ra ngoại thành, thoải mái ăn uống, vui chơi, ăn xong rác và cốc, đĩa, bát giấy đùm cả vào các túi nilon, vứt vào thùng rác, không tốn thời gian, công sức mang vác, rửa dọn. Tiện lợi, rẻ tiền (chỉ 10.000 - 15.000 đồng/20 chiếc) nên cốc, đĩa, bát giấy rất được ưa chuộng.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cốc, đĩa, bát giấy dùng một lần rất phổ biến ở nước ngoài, nhưng ở Việt Nam mới phát triển mạnh. Khi sản xuất cốc, đĩa giấy, nhà sản xuất phải phủ chất chống thấm bằng paraphin (nến, sáp ong), để đồ giấy không bị mủn, thấm nước. Chất này rất rẻ (thường dùng để sản xuất bao bì truyền thống gói thực phẩm), được tráng một màng rất mỏng mặt trong, rồi mới cho vào máy dập thành cốc, đĩa, bát giấy để chống thấm. Vì vậy sử dụng cốc, đĩa giấy đựng thức ăn khô, lạnh khá an toàn. Tuy nhiên, nếu sử dụng cốc, đĩa giấy để đựng đồ nóng, nước sôi sùng sục thì cần phải thận trọng.

Cốc, đĩa, bát giấy:  Đựng đồ nóng bị thôi nhiễm hóa chất - 1

Người tiêu dùng nên chọn các loại cốc, đĩa, bát giấy của các hãng có uy tín, đã được kiểm định về chất lượng để bảo vệ sức khỏe. Ảnh: Hà Dương.

Đựng đồ nóng dễ thôi nhiễm

Giải thích về việc này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết: Ở nước ngoài, cốc, đĩa, bát giấy thường dùng nhựa PE chống thấm. Ở Việt Nam nhiều doanh nghiệp sử dụng nhựa PVC hoặc giấy có tráng lớp nhựa chống nước bên ngoài hoặc giấy keo bền nước. Loại giấy tráng nhựa chống thấm có thể kém bền, nhưng vì có nhựa phủ ngoài nên chịu được nước. Với nhựa PVC, nếu nhà sản xuất không dùng nhựa và keo tốt, quy trình gia công không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng thì cốc, đĩa, bát dùng một lần sẽ gây ra tình trạng bong, sun, thôi nhiễm hóa chất lẫn vào đồ ăn thức uống, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Với sản phẩm cốc, đĩa giấy bình thường, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo chỉ nên sử dụng ở nhiệt độ khoảng 400C. Riêng những sản phẩm cốc, đĩa giấy ghi rõ có khả năng đựng được đồ ăn nóng thì cũng không nên sử dụng thực phẩm hay nước uống ở nhiệt độ trên 70 độ C vì chúng được trộn phụ gia chống thấm nước có sử dụng keo chứa melamin, phenol... lớp tráng chống thấm tốt, không bị hòa tan ở nhiệt độ 40 - 700C. Khi đựng thực phẩm sôi sùng sục thì lớp màng chống thấm có thể bị chảy ra, hòa tan ở nhiệt độ cao.

Với loại cốc, đĩa, bát giấy trắng tinh người tiêu dùng cũng không nên quá e ngại, bởi đó là do nhà sản xuất dùng bột giấy trắng để sản xuất. Người sử dụng nên cẩn thận với loại cốc, đĩa, bát giấy để lâu có thể bị ẩm mốc, vi trùng, vi khuẩn sẽ gây bệnh. Nên chọn các loại cốc, đĩa, bát giấy của các hãng có uy tín, đã được kiểm định về chất lượng và tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, tránh sản phẩm trôi nổi, không nhãn mác.

Nên dùng cốc nào?

Cốc inox không gỉ: Các nguyên tố kim loại khá ổn định nhưng không nên đựng cà phê, nước cam vì sẽ bị hòa tan.

Cốc nhựa không nên đựng nước nóng, nước sôi vì chất hóa học dễ bị hòa tan trong nước, hại cho sức khỏe. Cặn bám trong cốc cũng tích lũy, sinh vi khuẩn.

Cốc men đẹp nhưng lớp men dễ giải phóng kim loại nặng như chì. Do đó không nên đựng đồ nóng, đồ có tính kiềm, axit cao.

Cốc thủy tinh là an toàn nhất, nên dùng loại bề mặt trơn bóng, dễ rửa, vi khuẩn, chất cặn ít bám vào cốc.

Cốc gốm sứ giữ nhiệt an toàn, có thể dùng đựng đồ nóng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trà Giang (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN