Chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế nói gì về dòng người nườm nượp đổ ra đường khi đang cách ly xã hội?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

“Thời điểm này, chúng ta không biết ai là người đang nhiễm, chúng ta cũng không biết đâu là nguồn bệnh. Có thể lúc này chưa thấy nhiều ca lây trong cộng đồng nhưng có thể có ca mắc mà không biết”, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế cảnh báo.

Ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 16 về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Chỉ thị khuyến cáo mọi người dân ở trong nhà, chỉ được ra ngoài trong các trường hợp khẩn cấp như: Cấp cứu, mua thuốc men, mua lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, đến nay, sau một tuần thực hiện lệnh cách ly toàn xã hội nghiêm túc thì nay đường phố Hà Nội lại đông đúc gần như trước.

Rất đông các phương tiện lưu thông trên tuyến đường Hồ Tùng Mậu, Hà Nội ngày 8/4. 

Rất đông các phương tiện lưu thông trên tuyến đường Hồ Tùng Mậu, Hà Nội ngày 8/4. 

Trước tình trạng này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đã lên tiếng và mong muốn người dân đừng chủ quan.

“Người dân đang có tư tưởng chủ quan. Chúng ta đang thực hiện giãn cách xã hội, với tư tưởng chủ quan như vậy sẽ khiến virus lây lan, dịch bùng lên lúc nào không biết. Ở nước ngoài đã chứng minh quốc gia nào thực hiện tốt giãn cách xã hội sẽ kiểm soát được dịch, nếu không sẽ vỡ trận ngay”, ông Phu nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, có lẽ người dân chủ quan do số ca mắc giảm và họ tưởng chúng ta đã khống chế thành công. Thực tế không phải vậy.

“Thời điểm này, chúng ta không biết ai là người đang nhiễm Covid-19, chúng ta cũng không biết đâu là nguồn bệnh. Có thể lúc này chưa thấy nhiều ca lây trong cộng đồng nhưng có thể có ca mắc mà không biết”, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế cảnh báo.

Đường Phạm Hùng trở nên đông đúc trong ngày 8/4.

Đường Phạm Hùng trở nên đông đúc trong ngày 8/4.

Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, các ca nhiễm mới có xu hướng giảm trong mấy ngày qua chưa giúp đánh giá được điều gì. Lý do vì thời gian ủ bệnh đến 14 ngày. Chẳng hạn: Singapore, lúc đầu họ đã kiềm chế tốt dịch bệnh nhờ kiểm soát được người nhập cảnh từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Nhưng đến giai đoạn sau, khi việc này không thực hiện tốt, dịch lại lan nhanh.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, thời gian qua, số người mắc chủ yếu ở nước ta là những trường hợp nhập cảnh đến/về Việt Nam; kể cả những ca trong khu cách ly cũng là lây từ các ca nhập cảnh hoặc phát hiện từ cộng đồng chủ yếu liên quan đến các ổ dịch (như Bệnh viện Bạch Mai, Công ty Trường Sinh...). Hiện giờ là lúc phải tìm, phát hiện các ca trong cộng đồng.

Bộ Y tế đang chỉ đạo phải xét nghiệm được tất cả các ca sốt, khó thở hoặc có yếu tố dịch tễ ở tất cả các phòng khám. Đồng thời, tiến tới cả những người có triệu chứng sốt, ho nhẹ, chỉ ở nhà gọi điện khám cũng cần được xét nghiệm.

“Trong giai đoạn hiện nay không thể chủ quan, lơ là và phải làm quyết liệt hơn việc giãn cách xã hội, giữ khoảng cách, hạn chế giao tiếp. Bộ Y tế đang lên phương án có nên tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội, nếu không thì cũng phải nới lỏng chứ không xóa hẳn”, TS Phu nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế, hiện nay, các ca lây trong cộng đồng tìm nguyên nhân rất khó. Trước đây, với các ca xâm nhập, người ta khoanh vùng lại, tập trung lại dễ, biết nguồn cơn từ đâu. Do đó, việc giãn cách phải làm quyết liệt triệt để tại tất cả các nơi. Tuyệt đối không được chủ quan; Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh nhà cửa, rửa tay xà phòng, đeo khẩu trang. Tất cả cùng chung sức vào cuộc chiến chống dịch.

Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:

- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.

- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.

- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.

- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 1900322819009095.

Nguồn: [Link nguồn]

Virus gây bệnh Covid-19 có ủ bệnh đến 23 ngày?

Chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế khẳng định, hiện thế giới cũng chưa có khuyến cáo mới gì về thời gian ủ bệnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN