Chưa bắt BV siết thời gian khám chữa bệnh

Ngay sau khi Báo NTNN đăng bài “Siết thời gian khám chữa bệnh: Bệnh nhân vẫn phải chờ”, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết: “Đây chỉ là quy định để các bệnh viện phấn đấu thực hiện chứ không bắt làm ngay”.

Mục tiêu đến năm 2015

Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), mục đích của quy định này là nhằm thống nhất quy trình khám chữa bệnh (KCB) tại các khoa khám bệnh của các bệnh viện. Hướng dẫn các bệnh viện thực hiện các giải pháp cải tiến quy trình và thủ tục trong khám bệnh, tăng thời gian trực tiếp khám cho người bệnh và tăng sự hài lòng của người bệnh. Bên cạnh đó, người bệnh biết rõ quy trình để cùng phối hợp với bệnh viện trong quá trình khám bệnh.

Chưa bắt BV siết thời gian khám chữa bệnh - 1

Quá tải là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân phải chờ đợi lâu. Ảnh chụp tại nơi tiếp đón bệnh nhân Bệnh viện K.

Một đại diện khác của Bộ Y tế cho biết, quy định thời gian khám chữa bệnh từ 2-4 giờ là thời gian trung bình của các bệnh nhân chứ không phải thời gian tối đa mỗi bệnh nhân phải chờ đợi. Bởi có những loại bệnh, những xét nghiệm, chẩn đoán, thời gian chờ đợi phải mất vài ngày như xét nghiệm tế bào, chẩn đoán lao... Nếu cứ quy định “2-4 giờ” thì không thể thực hiện được.

Cũng theo TS Khuê, với nhiều giải pháp nhằm giảm tải bệnh viện, Bộ Y tế phấn đấu đến năm 2015, mỗi buồng chỉ khám tối đa 50 người bệnh/8 giờ và đến năm 2020 chỉ khám 35 người bệnh/8 giờ. So với hiện tại, nhiều bệnh viện khám hơn 100 bệnh nhân/8giờ/bàn khám, nếu đạt được mục tiêu nêu trên, thời gian chờ đợi khám chữa bệnh của bệnh nhân chắc chắn sẽ giảm đi đáng kể.

Tăng cường trách nhiệm của bệnh viện

Sau khi Báo NTNN đăng bài “Siết thời gian khám chữa bệnh: Bệnh nhân vẫn phải chờ”, Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Quản lý khám chữa bệnh khẩn trương kiểm tra thông tin báo nêu, đề xuất giải pháp xử lý. Nội dung kiểm tra, giải pháp đề xuất… phải báo cáo về Bộ chậm nhất là ngày 7/6.

Theo đại diện Bộ Y tế, đương nhiên, mỗi quy định ra đời sẽ ít nhiều làm một số bệnh viện phải xáo trộn. Tuy nhiên, đây là những xáo trộn cần thiết để nâng cao chất lượng KCB. Để đạt được những con số trên, các bệnh viện phải khảo sát, đánh giá lại quy trình khám, chữa bệnh của đơn vị mình, xem thời gian chờ lâu đang ở khâu nào, ở khu vực nào? Nếu ở khâu chờ lấy số, bệnh viện phải mở nhiều nơi tiếp đón, tăng nhiều bàn khám, phòng khám, nếu ít bác sĩ khám lâm sàng phải tăng cường thêm bác sĩ… Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế, các bệnh viện phải xây dựng một quy trình khám, chữa bệnh liên hoàn và giám đốc bệnh viện có vai trò quan trọng trong vấn đề này.

Ông Phan Bá Đào – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên cho biết, quy định KCB từ 2-4 giờ là hoàn toàn có thể thực hiện được nếu như các thủ tục được giảm bớt, tránh rườm rà, không cần thiết. Hiện Bệnh viện Thái Nguyên đã có nhiều cải cách hành chính, nâng số bàn khám từ 27 lên 35 bàn. Do vậy, mỗi ngày hơn 1.000 người đến khám, nhưng các bác sĩ không bị quá tải, mỗi bác sĩ chỉ khám khoảng 30 bệnh nhân mỗi ngày. Trung bình mỗi bệnh nhân phải chờ khám khoảng 2 giờ đồng hồ nhưng cũng có bệnh nhân phải chờ lâu hơn vì phải làm nhiều xét nghiệm, chẩn đoán.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Linh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN