Cho trẻ ăn chay theo bố mẹ, cẩn thận có ngày mất con
Nhiều gia đình đã áp dụng cho trẻ ăn chay theo bố mẹ khi bố mẹ ăn chay trường vì nghĩ điều đó tốt cho trẻ. Nhưng các chuyên gia cho rằng, cho trẻ ăn chay sẽ gây ra nhiều hệ lụy, thậm chí có ngày mất con mà không hay.
Ảnh minh họa
Trẻ tử vong vì ăn chay
Trường hợp một bé 18 tháng tuổi ở Mỹ tử vong vì suy dinh dưỡng đã khiến nhiều người lo ngại. Điều đáng nói nguyên nhân sâu xa dẫn tới việc thương tâm này là từ chế độ ăn hoàn toàn chỉ có rau, trái cây. Theo điều tra, bố mẹ của cháu bé đều là những người ăn chay trường và cả nhà cùng áp dụng chế độ ăn này. Ngoài cháu bé tử vong, hai đứa trẻ khác 3 và 5 tuổi của cặp vợ chồng này cũng gầy gò, tái nhợt khi ăn theo chế độ này.
Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp báo chí đăng tải việc trẻ suy kiệt sau khi cha mẹ thuần chay. Thậm chí, ngay cả ở người lớn cũng đã phải vào viện vì chế độ ăn chay giảm cân. Như trường hợp nữ bệnh nhân 61 tuổi ở Gia Lâm (Hà Nội) nhập viện cấp cứu do ngừng tuần hoàn, rối loạn natri, kali do ăn chay với muối vừng, gạo lứt.
PGS.TS Lê Bạch Mai – nguyên Phó Viện Trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, bà không ủng hộ với việc cho trẻ nhỏ ăn chay. Ăn chay đúng cách mặc dù sẽ có lợi trong một số trường hợp, nhưng điều này gây ra nhiều hệ lụy hơn có lợi cho trẻ nhỏ. Nguyên tắc là đa dạng thực phẩm, kết hợp cả động và thực vật mới có bữa ăn tốt.
Phân tích rõ hơn điều này, PGS.TS Lê Bạch Mai cho rằng, khi ăn chay thường chỉ ăn thức ăn từ thực vật và không ăn thịt động vật, có nơi không ăn trứng và uống sữa. Như vậy, ăn chay không có các protein động vật, bình thường prrotein động vật có các axit amin cân đối hơn so với lại các protein thực vật. Nó giúp trẻ tiêu hóa thức ăn rồi đồng hóa thành protein của riêng mình, tham gia vào hệ miễn dịch, các hormon trong cơ thể.
Hơn nữa, trong thực phẩm thực vật thường ít sắt. Sắt ở thực phẩm thực vật thường là sắt không heme, tức là hệ số hấp thu kém. Sắt heme chỉ đến từ các thức ăn động vật. Hay như nhiều người sử dụng đậu đỗ thay thế cho thịt, protein đậu tốt nhưng protein đậu đỗ có thể tốt về mặt chất lượng protein nhưng chúng không có sắt heme. Trong đậu lại có chất phytate, độ hấp thụ giảm đi khi có sự hiện diện chất này làm cản trở việc hấp thu sắt rất nhiều. Cho nên không thích chế độ ăn chay cho trẻ.
Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các chức năng khác nhau của cơ thể, vận chuyển ôxy trong máu, cung cấp năng lượng và phát triển trí não cho trẻ. Nếu trẻ ăn chay đồng nghĩa việc thiếu chất, thiếu sắt làm ảnh hưởng đến thể chất, thần kinh và não bộ của trẻ. Thiếu sẵn sẽ dẫn tới tình trạng thiếu máu nhiều, trong khi với trẻ dưới 2 tuổi cứ 2 trẻ lại có một trường hợp bị thiếu máu.
Ngoài ra, rủi ro lớn nhất với những trẻ ăn chay là sự thiếu hụt vitamin B12. Thức ăn động vật được xem là nguồn duy nhất cung cấp vitamin B12, thức ăn thực vật không có. Vitamin B12 rất quan trọng để tạo thành ADN, tuyệt đối cần thiết để bảo trì hệ thống thần kinh. Trẻ nhỏ một khi cơ thể thiếu hụt nhiều loại dưỡng chất thiết yếu sẽ gây ra những hậu quả không thể khôi phục được, thậm chí dẫn tới tử vong vì suy kiệt.
Theo BS Đào Thị Yến Phi, Bộ môn Dinh dưỡng (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), nhiều nghiên cứu chỉ ra những đứa trẻ ăn chay thường xuyên sẽ bị suy dinh dưỡng vì thiếu chất. Đặc biệt, ở trẻ sơ sinh đang trong giai đoạn ăn dặm tuyệt đối không nên ăn chay vì giai đoạn này trẻ phát triển nhanh, cần nhiều dưỡng chất. Não bộ trẻ em lúc này cần đầy đủ chất béo từ động vật, đặc biệt là Omega 3 để phát triển. Việc ăn thiếu chất đạm có nhiều trong thịt động vật còn có thể gây tình trạng biếng ăn. Trẻ nhỏ cần nhiều dinh dưỡng và các vi chất khác để phát triển cơ thể nên không khuyến khích trẻ ăn chay.
Ăn chay cũng cần phải đa dạng
PGS.TS Lê Bạch Mai cho biết, trên thế giới cũng như ở nước ta đã có nhiều khuyến cáo, bữa ăn cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng mới là cân đối. Chất đạm động vật và chất đạm thực vật phải chia đều 50/50. Trường hợp ăn chay nhiều nghĩa là chất đạm thực vật nhiều mà thiếu đi chất đạm động vật. Với trẻ nhỏ đang là đối tượng cần nạp đủ chất dinh dưỡng để phát triển là điều không nên.
Không chỉ trẻ ăn chay trực tiếp mà với những trường hợp các bà mẹ đang cho con bú nếu ăn chay cũng dễ gặp hệ lụy. Bà mẹ đang cho con bú ăn chay, con cũng sẽ bị thiếu không những vitamin B12 mà cả đạm và canxi. Với phụ nữ mang thai sẽ có nguy cơ bị sinh non, thai lưu, băng huyết cao hơn người bình thường. Con sinh ra nguy cơ đần độn khi thiếu iốt trong quá trình mang thai… Khi thấy con ăn chay mà có hiện tượng giảm cân, chậm phát triển, cha mẹ cần bổ sunglượng đạm từ thịt động vật để kịp thời khắc phục tình trạng phát triển ở trẻ nhỏ. Ngay sau đó cần đưa đến bác sĩ dinh dưỡng kiểm tra để có điều chỉnh kịp thời.
Theo BS Đào Thị Yến Phi, ăn chay cũng phải đảm bảo đa dạng. Khi ăn chay nếu không đa dạng các loại thức ăn sẽ rất dễ bị thiếu dinh dưỡng gây ra ốm yếu, suy giảm đề kháng…
Bữa ăn chay đơn điệu chỉ cơm với rau thì nguy cơ thiếu chất rất lớn. Nếu trong điều kiện trẻ phải ăn chay cũng cần đảm bảo cho trẻ khẩu phần ăn đa dạng, đầy đủ các loại thực phẩm từ thực vật giàu dinh dưỡng. Nên dùng nhiều trứng, sữa, các loại quả, thức ăn có hàm lượng vitamin C để cơ thể tăng khả năng hấp thụ các chất sắt, kẽm… Cùng với đó, bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng dưới dạng thuốc bổ cho trẻ nhưng nên tuân theo ý kiến bác sĩ.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, ngay những trường hợp bắt buộc phải ăn chay, việc lựa chọn thực phẩm chay cũng cần phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể, chọn nguyên liệu ở những cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Việc chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm cũng là điều cần chú ý.
Nguồn: [Link nguồn]
Ăn chay với gạo lứt, muối vừng đến ngày thứ 41, người phụ nữ 61 tuổi ở Gia Lâm Hà Nội đã phải nhập viện cấp cứu...