Cấy que tránh thai vẫn có bầu: Trường hợp thất bại hy hữu!

Đại diện Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Đà Nẵng cho biết, trường hợp cấy que tránh thai vẫn có bầu của chị La Thị Liên là thất bại hy hữu.

Ngày 26/9, lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) TP Đà Nẵng, Trung tâm y tế quận Sơn Trà và UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) đã có buổi làm việc với gia đình chị La Thị Liên (SN 1990; trú tổ 34 phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) xoay quanh vụ việc chị Liên cấy que tránh thai nhưng vẫn có bầu, gây xôn xao dư luận vừa qua.

Như báo Người Đưa Tin đã đăng tải, chị La Thị Liên viết đơn cứu xét, phản ánh việc chị buộc phải phá thai nhi 7 tuần tuổi dù đã gắn que tránh thai được khoảng 9 tháng. Do hoàn cảnh khó khăn, ba lần mổ để sinh con, chị Liên vô cùng lo lắng, mệt mỏi sau khi sự việc xảy ra.

Phía gia đình bức xúc khi cho rằng cán bộ Khoa sản - Trung tâm Y tế quận Sơn Trà tắc trách, không hỗ trợ tốt cho chị Liên sau khi sản phụ buộc phá thai, để bảo vệ tính mạng người mẹ.

Cấy que tránh thai vẫn có bầu: Trường hợp thất bại hy hữu! - 1

Phó giám đốc Phạm Hồng Nam (Trung tâm y tế quận Sơn Trà - đứng) cho biết kết quả kiểm tra nội tiết tố chị Liên không có gì bất thường, chứng tỏ que tránh thai không còn trong người khách hàng

Mở đầu cuộc gặp, ông Phạm Hồng Nam (Phó giám đốc Trung tâm Y tế quận Sơn Trà) chia sẻ, sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Trung tâm đã lắng nghe ý kiến của gia đình chị Liên. Đúng là phía cán bộ Trung tâm một số điểm chưa đúng khiến chị Liên và gia đình chưa hiểu rõ vấn đề.

Qua chụp cộng hưởng từ MRI, kiểm tra nội tiết tố... cho thấy que tránh thai không còn nằm trong người chị Liên.

Về phía Trung tâm cấp thẻ Bảo hiểm y tế có thời hạn 5 năm, hỗ trợ kinh phí chụp MRI, kiểm tra nội tiết tố, ưu tiên cho chị Liên là "khách hàng đặc biệt" và cung cấp dịch vụ sớm nhất khi thăm khám sức khỏe.

"Tuy nhiên, gia đình chị Liên đòi hỏi một số vấn đề nằm ngoài khả năng Trung tâm, nên chúng tôi tổ chức cuộc gặp mặt để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của gia đình", ông Nam chia sẻ.

Gia đình chị Liên cũng cho biết ý kiến về việc cán bộ Trung tâm Y tế không tư vấn hỗ trợ cho gia đình, sau khi việc phá thai diễn ra. Bản thân gia đình lo lắng việc que tránh thai không còn nắm ở cánh tay mà di chuyển trong người, chị Liên cũng không được cán bộ Khoa sản - Trung tâm Y tế quận Sơn Trà hỗ trợ hết mức.

Sau đó, gia đình chị Liên phải tự gặp ông Phạm Hồng Nam mới được giải quyết, nhưng chị Liên chưa hết lo lắng, bức xúc vì việc này.

Cấy que tránh thai vẫn có bầu: Trường hợp thất bại hy hữu! - 2

Bà Nguyễn Thị Xuân (Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ TP Đà Nẵng) cầm bộ kim tiêm và que tránh thai giải thích cho gia đình chị Liên

Phía Chi cục Dân số - KHHGĐ TP Đà Nẵng và Trung tâm Y tế quận Sơn Trà cũng thừa nhận, việc giải thích của cán bộ khoa Sản chưa cặn kẽ, thấu đáo vấn đề khiến chị Liên và gia đình lo lắng. Đây cũng là bài học cho các cán bộ, cộng tác viên KHHGĐ trong công tác vận động người dân thực hiện các biện pháp tránh thai.

Chị Liên cũng cho biết, 1 tuần sau khi phá thai, sản phụ này có dấu hiệu mất kinh, đau đầu, chóng mặt, nóng nảy với mọi người.

"Việc xác định cây que tránh thai còn trong người vợ tôi hay không phải qua chụp MRI. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Lâm (Trưởng khoa Sản) chỉ nói đi chụp rồi về nói chuyện, chứ không nói gì việc sẽ được hỗ trợ. Gia đình tôi lại khó khăn nên không dám đi chụp, vì tốn cả chục triệu đồng", chồng chị Liên cho hay.

Cấy que tránh thai vẫn có bầu: Trường hợp thất bại hy hữu! - 3

Que tránh thai bằng nhựa, đầu bằng nên không thể di chuyển trong cơ thể sau khi được tiêm

Có mặt trong cuộc gặp, bà Nguyễn Thị Xuân (Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ TP Đà Nẵng) giải thích về khía cạnh chuyên môn. Bà Xuân cho hay, việc chị Liên thực hiện KHHGĐ là khách hàng chứ không phải là bệnh nhân. Việc chị Liên đi cấy que tránh thai là tự nguyện và bản thân chị Liên được chính quyền hỗ trợ việc cấy que miễn phí vì là hộ gia đình khó khăn, trong khi một que tránh thai có giá 2,5 triệu đồng.

"Chồng chị Liên có thắc mắc, tôi xin giải thích theo quy định Bộ Y tế, chỉ trường hợp triệt sản thì mới có chữ ký của cả hai vợ chồng. Riêng việc chị Liên đi lắp que tránh thai là tự nguyện. Chị Liên viết đơn xin chính quyền ưu đãi cấy que tránh thai miễn phí chứ không phải ai bắt ép cả".

"Còn về chị Liên, sau ba ngày cấy que, phát hiện que không còn trên bắp tay trái của sản phụ. Tuy nhiên, chị Liên sờ thấy có vết nổi lên và tin rằng que tránh thai đã nằm sâu trong bắp tay. Tuy nhiên, khi tháo băng, có thể que tránh thai đã đi ra ngoài. Còn vết nổi cộm lên chỉ là vị trí tiêm vào mà chị Liên tưởng nhầm", bà Xuân cho biết.

Cấy que tránh thai vẫn có bầu: Trường hợp thất bại hy hữu! - 4

Chị La Thị Liên (áo đen) và gia đình an tâm, không còn lo lắng về việc que tránh thai còn trong cơ thể

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ TP Đà Nẵng, que tránh thai bằng nhựa, đầu bằng nên không thể chạy trong cơ thể như lo lắng của chị Liên.

"Tại TP Đà Nẵng, tính từ năm 2014 đến 7 tháng đầu năm 2016, có hơn 1.300 ca cấy que tránh thai. Đây cũng là trường hợp thất bại hy hữu, xảy ra lần đầu tiên trên địa bàn TP Đà Nẵng", bà Xuân cho biết thêm.

Sau khi giải thích thấu đáo từ các bên, gia đình chị La Thị Liên không còn lo lắng về việc que tránh thai ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần của sản phụ và kết thúc vụ việc gây tranh cãi vừa qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Tuấn (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN