Cắt tuyến tiền liệt ảnh hưởng tới "chuyện ấy"?

Nhiều người có thắc mắc rằng, bị phì đại tiền liệt tuyến nếu cắt có ảnh hưởng tới "quan hệ vợ chồng" không và nguy cơ ung thư của bệnh này.

Tiết 15 - 20 lượng tinh dịch

GS.TS Đỗ Trọng Hiếu, nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ sinh sản, Bộ Y tế nhấn mạnh, TLT nằm dưới bàng quang và ôm quanh cổ bàng quang. Vùng TLT sau chia ra làm hai vùng nhỏ. Vùng ngoại vi to gấp 3 lần vùng trung tâm. Trái lại vùng TLT nhỏ hơn nhưng lại là vùng phát sinh các u lành mà ta quen gọi là phì đại lành tính gây ra các triệu chứng đái khó, đái nhỏ giọt, có thể bí đái. Bình thường ở người trẻ dưới 40 tuyến tiền liệt chỉ có trọng lượng chừng 15 - 20g, trên tuổi này có thể to đến 25g. Khi phì đại lành tính, tuyến này có thể nặng tới 50 - 100g hoặc hơn gây khó đái, đái són và bí đái.

Cắt tuyến tiền liệt ảnh hưởng tới "chuyện ấy"? - 1

Theo thống kê ở Việt Nam hiện nay có tới 45 - 70% số nam giới trong độ tuổi từ 45 - 75 mắc căn bệnh ung thư tuyến tiền liệt

TLT cũng chỉ là một tuyến sinh dục phụ, chỉ tiết ra chừng 15 - 20% khối lượng tinh dịch của mỗi lần xuất tinh, vì thế khi đã bị cắt bỏ rồi khối lượng tinh dịch chỉ giảm, ít khi xuất tinh. Ngoài ra, tinh dịch được bài xuất cả ở một số tuyến phụ nữa nằm ở (hành) niệu đạo. Sự bài tiết tinh dịch lệ thuộc vào nồng độ nội tiết tố nam trong máu. TLT to lên cũng có nhiều phần ảnh hưởng của nội tiết tố nam, nhất là DHT - một chất chuyển hóa của testosterone và tác dụng trên TLT mạnh gấp nhiều lần testosterone.

BS Nguyễn Bá Hưng, Phòng khám Nam khoa, Viện Nghiên cứu ánh sáng và sức khoẻ cộng đồng cho biết, khi đã lớn tuổi không nên bỏ qua và theo dõi TLT. Theo thống kê ở Việt Nam hiện nay có tới 45 - 70% số nam giới trong độ tuổi từ 45 - 75 mắc căn bệnh này, tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh càng lớn.

Dễ di căn liệt người và tử vong

GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam nhấn mạnh, ung thư TLT ở Mỹ là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trong các bệnh ung thư ở nam. Tại Việt Nam, bệnh cũng có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.

Theo ghi nhận, bệnh phổ biến đứng hàng thứ 9 trong các bệnh ung thư ở nam giới với tỷ lệ mới mắc theo tuổi là 4,7/100.000 dân. Bệnh hay gặp ở người sau 50 tuổi. Vì vậy, đàn ông từ 50 tuổi trở lên nên tiến hành thăm khám trực tràng bằng tay hàng năm kết hợp với định lượng PSA để phát hiện sớm bệnh. Bởi theo các chuyên gia, khi mắc ung thư TLT, người bệnh này sẽ bị giảm tuổi thọ trung bình 9 năm. Ở giai đoạn sớm, khối u còn khu trú ở trong tuyến và không có biểu hiện lâm sàng, chỉ chẩn đoán được nhờ sinh thiết và làm giải phẫu bệnh. Ở giai đoạn tiến triển, bệnh nhân bị tiểu khó hoặc bí tiểu do ung thư xâm lấn vào niệu đạo, hoặc đau xương do di căn xương chậu, cột sống, di căn hạch, di căn phổi...

Khi biến chứng phát triển, di căn xương sống làm liệt 2 chân, liệt nửa người, xâm lấn tại chỗ gây bế tắc đường tiểu và suy thận, xâm lấn qua trực tràng làm bế tắc, không đi cầu được phải mở hậu môn nhân tạo. Muộn hơn có thể di căn não, phổi, gan, dạ dày, tuyến thượng thận, xuất huyết tiêu hóa... Nhưng nếu được chẩn đoán sớm và điều trị triệt để thì bệnh nhân có thể sống thêm được trên dưới 10 năm.

Các yếu tố giúp giảm nguy cơ bệnh gồm lycopene (có nhiều trong cà chua), các vitamin A, E, selen, isoflavonoids và lignans (2 chất này có nhiều trong đậu nành và những loại rau khác). Hoạt động thể dục thể thao đều đặn cũng giúp dự phòng ung thư TLT.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kiến thức
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN