Cẩn thận phô mai que vỉa hè

Từ khoảng 6g tối đến đêm là khoảng thời gian “lý tưởng” để nhiều bạn trẻ kéo nhau đến các quán phô mai que, “ngồi vỉa hè, chém gió”. Họ thường đi theo nhóm, tự chọn chỗ ngồi sao cho vừa đủ.

Vài tháng trở lại đây, giới tuổi teen rộ lên “phong trào” ngồi “chém gió”, ăn phô mai que vỉa hè thay vì uống trà chanh như trước. Trên các phố cổ, phố đi bộ như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường, Cầu Gỗ, Hàng Bạc, Tạ Hiện… đâu đâu cũng thấy cửa hàng bán phô mai que và lúc nào cũng đông khách, chủ yếu là học sinh và sinh viên.

Nói là cửa hàng, thực ra chỉ cần vài cái ghế nhựa bày trên vỉa hè, một chiếc xe đẩy, bên trên có bếp gas du lịch, một chảo mỡ và hộp nhựa đựng phô mai  cùng dăm ba cái đĩa nhựa là đã đủ thu hút đám thực khách dễ tính, chỉ chú trọng đến “yếu tố” mới và lạ mà không cần quan tâm đến vấn đề ATVSTP.

Cẩn thận phô mai que vỉa hè - 1

Phô mai que. Ảnh TL

Từ khoảng 6g tối đến đêm là khoảng thời gian “lý tưởng” để nhiều bạn trẻ kéo nhau đến các quán phô mai que, “ngồi vỉa hè, chém gió”. Họ thường đi theo nhóm, tự chọn chỗ ngồi sao cho vừa đủ. Dường như quá quen với không gian chật chội nên họ không hề kêu ca, phàn nàn, thậm chí còn tỏ ra thích thú với việc phải thu chân bó gối.

Thực ra, phô mai que đã xuất hiện từ lâu, trong chuỗi cửa hàng của Lotteria, một thương hiệu nổi tiếng bán đồ ăn nhanh của Hàn Quốc. Phô mai que “xịn” (cheese stick) được chế biến từ phô mai Mozzarella của Ý, cắt thành hình que dài 4 cm, nhúng  vào bột mỳ, lăn qua bột chiên xù rồi rán. Món này được giới tuổi teen “hâm mộ” ngay khi “trình làng”, nhưng vì giá cả hơi cao (khoảng 15.000đồng/chiếc), nên khi phô mai que vỉa hè xuất hiện với giá chỉ 6.000 đồng/chiếc thì ngay lập tức được giới trẻ đón nhận nhiệt tình. Trần Hoài Anh, sinh viên năm thứ 2, ĐH Thương mại cho biết: “Em mê món này từ lâu nhưng thỉnh thoảng mới dám ăn vì hơi đắt. Gần đây em thấy bán nhiều ngoài đường, giá chỉ bằng 1/3 nên chúng em rất thích, hễ có dịp là lại đãi nhau bằng phô mai que”.

Trịnh Hải Long, sinh viên năm thứ nhất, ĐH Bách khoa (Hà Nội) cũng là một “fan” của phô mai que, tâm sự: “Em không thích ăn quà vặt, nhưng mấy lần đi uống trà chanh, các bạn toàn gọi thêm món này, em tò mò ăn thử, rồi nghiện lúc nào không biết”. Các thực khách cũng thú nhận, họ chẳng mấy quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của phô mai que, chỉ biết có phong trào là theo nhau hưởng ứng.

Một chủ hàng trên phố Tạ Hiện cho biết, trước đây chị bán bánh mì, nhưng thấy mấy cửa hàng bán phô mai que trên phố đông khách quá nên chị cũng bán theo. “Đúng là bán đồ mà bọn trẻ đang thích dễ thật. Chúng không thắc mắc về chất lượng, nguồn gốc, đến hàng là gọi ào ào”. Chị vui vẻ khoe: “Bây giờ nhiều người bán hàng này lắm, vốn liếng ít, nhưng lãi thì kha khá. Ngày ít khách cũng bán được 600-700 que, đông khách thì đến cả nghìn que”.

Chị chủ hàng này cũng vô tư kể: “Phô mai mua buôn trên chợ Đồng Xuân, giá 70.000 đồng/kg. Một kg cắt ra được 35 đến 40 que. Dầu rán thì mua loại rẻ tiền đã là xịn rồi, nhiều người còn mua dầu thải ra của các hàng cơm, quán nhậu rồi về lọc lại để dùng”. Hỏi xuất xứ của phô mai thì chị bảo: “Đều của Trung Quốc hết, vì phomai Trung Quốc rẻ, nếu mua của Ý, hay của Hà Lan thì hết lãi”.

Đến chợ Đồng Xuân, không khó khăn gì để tìm một hàng bán phô mai. Mặt hàng này được bảo quản trong tủ đá, người bán xả ra từng tảng to nhỏ khác nhau, trung bình một tảng bằng hai viên gạch. Trong vai người mua về để bán lẻ, PV được đưa cho xem một tảng phô mai khoảng hơn 1kg, bao bì bên ngoài chỉ là một lượt ni lon trắng. Hỏi hạn sử dụng và xuất xứ, nguồn gốc thì người bán hàng nói: “Hàng này từ Trung Quốc nhưng chị lấy hàng tốt nên em để vô tư, vài năm cũng được (?!). Nếu mua nhiều sẽ được giảm giá”. Qua quan sát, màu sắc của phô mai không đồng nhất.

Có tảng màu vàng nhạt, có tảng vàng sẫm. Đặc biệt, một vài tảng có lốm đốm đen. Chị bán hàng bao biện: “Có gì đâu, để chị gọt đi và thay túi ni lon là lại “long lanh” ngay ấy mà”.

Rõ ràng, món phô mai que bán trên vỉa hè là loại hàng không bảo đảm ATVSTP. Đưa phản ánh này đến Cục ATVSTP, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục ATVSTP cho hay, Cục chưa biết đến mặt hàng này và bản thân ông cũng chưa thấy, chưa biết phô mai que là gì. Như vậy, có thể nói, các cơ quan chức năng chưa “sờ” tới mặt hàng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ là “hàng bẩn” này. Rất mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để người tiêu dùng yên tâm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Vượng (Pháp luật & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN