Bỗng dưng thành quỷ dữ

Nhân cách bệnh lý dễ khiến người bệnh vượt qua các giới hạn mặc định của xã hội và có những hành vi nguy hiểm cho cộng đồng.

Thời gian gần đây, dư luận xôn xao vì nhiều vụ án giết người mang tính chất tàn bạo. Hung thủ không chỉ ra tay sát hại nạn nhân mà còn có hành vi xâm phạm dã man thi thể người xấu số. Những vụ án như thế từng xuất hiện trong nhiều phim ảnh kinh dị với sự mô tả hung thủ là người “đa nhân cách”, bị “biến đổi nhân cách”, bề ngoài rất bình thường nhưng đằng sau là kẻ có thể gây tội ác một cách bệnh hoạn. Thực tế, “rối loạn nhân cách”, “biến đổi nhân cách” là những cụm từ không xa lạ trong tâm thần học. Chúng đã xuất hiện không ít trong các biên bản giám định hung thủ của nhiều vụ trọng án.

Bỗng dưng thành quỷ dữ - 1

Một ca giám định tâm thần tại Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM

Hành động nguy hiểm từ mâu thuẫn nhỏ

ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM, cho biết ông từng giám định cho khá nhiều trường hợp mà hung thủ gây án “có vấn đề”. Khi xảy ra xung đột, chính nhân cách bệnh lý khiến họ trở nên khó kiểm soát những hành vi gây thương tổn cho người xung quanh, thậm chí còn giết người dã man. Bởi lẽ, khi cơn bệnh bộc phát, họ đã “quên” các giới hạn thông thường của xã hội.

“Một trong những bất thường về nhân cách đáng chú ý là biến đổi nhân cách, tức một người đang bình thường nhưng chuyển sang nhân cách bệnh lý sau một sự cố hoặc do tác động lâu dài của thói quen xấu” - BS Quang lý giải.

Người biến đổi nhân cách vẫn có thể sống bình thường trong cộng đồng và khó được phát hiện nếu họ chưa gây tai họa gì. Họ chỉ khác người thường ở chỗ hay soi mói, xét nét hơn, suy nghĩ ít mang tính xây dựng, hay chê bai, chống đối, luôn có ý nghĩ không tốt, đề cao cái tôi, thích kiện cáo, hay gây mâu thuẫn, cãi vã… Sự việc có thể trở nên nghiêm trọng khi họ không được đáp ứng điều gì đó hoặc bị rơi vào một tình huống mâu thuẫn. Với những mâu thuẫn nhỏ nhặt, người bình thường có thể kiềm chế hay tìm cách giải quyết êm thấm hơn nhưng người mang nhân cách bệnh lý có thể nảy sinh hành động cực kỳ nguy hiểm.

Nhân cách bệnh lý cũng có thể được hình thành từ nhỏ, theo quá trình phát triển nhân cách của trẻ và được gọi là “rối loạn nhân cách”. Theo BS Trần Đình Phương, Trưởng Khoa Giám định thuộc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần TP HCM, rối loạn nhân cách có nhiều loại: chống đối xã hội, hoang tưởng, phân liệt, cảm xúc không ổn định, ám ảnh nghi thức, lo âu, tránh né...

Tùy vào dạng rối loạn, bệnh nhân có các biểu hiện khác nhau nhưng hầu hết vẫn có thể sinh sống, lao động trong cộng đồng, thỉnh thoảng gây phiền hà cho người xung quanh vì những nét tính cách “kỳ kỳ” của họ. Tuy nhiên, khi xảy ra mâu thuẫn, người bị rối loạn nhân cách - cũng như người bị biến đổi nhân cách - dễ có hành động vượt quá giới hạn hơn người bình thường và nhiều khi sẽ gây án.

Can thiệp ngay khi xuất hiện mầm mống

Theo BS Nguyễn Ngọc Quang, biến đổi nhân cách có những nguyên nhân bất khả kháng như sau chấn thương sọ não hoặc cơn động kinh. Song, cũng có nguyên nhân người bệnh tự chuốc lấy như việc lạm dụng rượu, ma túy và các chất kích thích lâu dài, nghiện game bạo lực hoặc sex ảo…

“Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến nhóm nguyên nhân “tự chuốc lấy”. Để không xảy ra tình trạng một người đang hiền lành bỗng hóa thành quỷ dữ, những gia đình có người thân nghiện rượu, ma túy, nghiện game - nhất là thanh thiếu niên - nên có biện pháp cứng rắn ngay từ đầu, kiên quyết đưa họ đi điều trị khi có những dấu hiệu loạn thần đầu tiên” - BS Quang khuyên.

Bỗng dưng thành quỷ dữ - 2

Hiện trường cụ giết người, chặt xác phi tang ngày 1-10 ở quận 1, TP HCM. Ảnh: Tân Tiến

Về các rối loạn nhân cách, y văn về tâm thần học của Việt Nam và thế giới đều nhấn mạnh 3 nguyên nhân: di truyền, sang chấn tuổi trẻ em và các yếu tố liên quan đến môi trường xã hội, văn hóa. Trong đó, nhóm trẻ em từng bị bạo hành, lạm dụng, chứng kiến thảm họa… rất dễ mắc các trục trặc trong phát triển nhân cách. Trẻ em sống trong môi trường gia đình xáo trộn, thiếu tình thương có xu hướng phát triển nhân cách bất ổn hơn nhóm trẻ lớn lên trong gia đình ổn định.

BS Trần Đình Phương cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ nên hết sức lưu ý khi trẻ có những biểu hiện bất ổn trong phát triển nhân cách, nhất là sớm biểu hiện tính hung bạo, thiếu lòng nhân ái, không quan tâm đến các chuẩn mực như thường làm tổn thương người khác, hành hạ động vật… Rối loạn nhân cách rất khó chữa ở người lớn nhưng có thể can thiệp được ở tuổi nhi đồng khi xuất hiện các mầm mống đầu tiên. 

Chú ý đến trẻ bị bạo hành, xâm hại

Theo ThS-BS Nguyễn Ngọc Quang, nhóm trẻ bị bạo hành, bị lạm dụng tình dục hoặc gặp sang chấn lớn ở tuổi nhỏ có nguy cơ rất cao trong sự hình thành nhân cách bệnh lý. Một số trẻ bị bạo hành có thể trở thành những kẻ bạo hành trong tương lai. Số khác tuy không đến nỗi bị rối loạn nhân cách nhưng cũng có thể gặp những rắc rối trong quá trình phát triển tâm sinh lý, dẫn đến khó khăn trong cuộc sống về sau.

“Những trường hợp bị bạo hành dã man, như em bé bị cha dượng và mẹ đánh đập ở Bình Dương, rất cần được giám định y khoa cả về sức khỏe lẫn tinh thần, cũng như được hỗ trợ y tế để vượt qua sang chấn tâm lý đó, để cơn ác mộng thực sự qua đi trong cuộc đời trẻ. Với các bé gái từng bị lạm dụng tình dục, vai trò của chuyên viên tâm lý và người mẹ, người bà, người dì trong gia đình rất quan trọng để trẻ có cuộc sống, tình yêu, hôn nhân bình thường về sau” - BS Quang khuyên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN