Bộ Y tế xác nhận ca tử vong thứ 2 do cúm

Sự kiện: Cúm A/H5N1

Bộ Y tế xác nhận bệnh nhân ở Đồng Tháp là người thứ 2 tử vong do chủng cúm gia cầm A/H5N1 trong năm nay.

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, ngày 27/1, bệnh nhân xuất hiện các biểu hiện khó thở, nhập viện và điều trị tại BV Đa khoa tỉnh An Giang sau đó bị suy hô hấp và tử vong. Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này cũng đã được Viện Pasteur TPHCM xét nghiệm, khẳng định dương tính với cúm A/H5N1.

TS Trần Đắc Phu Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, qua điều tra dịch tễ ca bệnh cho thấy, bệnh nhân đã giết mổ vịt bị chết không rõ nguyên nhân. Tại khu vực sinh sống của gia đình cũng có gà, vịt bị ốm, chết.

Ngay sau khi xác định ca bệnh, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp và Trung tâm y tế huyện Thanh Bình - nơi bệnh nhân sinh sống - đã điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch, theo dõi người tiếp xúc, đến nay sau 14 ngày kể từ ngày khỏi phát không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới.

Ông Trần Đắc Phu cho biết, đây là ca nhiễm cúm A/H5N1 thứ 2 trong năm 2014, sau 9 tháng Việt Nam không ghi nhận ca bệnh trên người.

Bộ Y tế xác nhận ca tử vong thứ 2 do cúm - 1

Bệnh nhân nhiễm cúm cần được cách ly.

Trước đó, ngày 11/1 bệnh nhân đầu tiên tử vong do cúm ở Bình Phước. Bệnh nhân cũng xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở và được gia đình đưa đến khám, điều trị tại BV đa khoa Bù Đăng với chẩn đoán viêm phổi do vi rút. Sau 7 ngày điều trị tại đây, bệnh nhân được chuyển đến BV đa khoa Bình Phước cũng với chẩn đoán trên, trong tình trạng rất nặng. Tổn thương phổi bệnh nhân tăng nhanh, bệnh nhân khó thở liên tục nên tiếp tục được chuyển lên BV bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh hôm 18/1 và tử vong.

Theo các chuyên gia, thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh nhất trong năm. Để phòng lây nhiễm các loại cúm gia cầm nói chung, người dân tuyệt đối không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm ốm chết,  thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, ăn chín uống sôi. Hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp, tránh đưa tay lên mũi và miệng, làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc, thường xuyên lau chùi bề mặt, dụng cụ đồ vật quanh người bệnh bằng các chất tẩy rửa thông thường..

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn. Khi có các biểu hiện cúm không rõ lý do, sau khi tiếp xúc với gia cầm có các triệu chứng ho, sốt, khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo D.Thu ([Tên nguồn])
Cúm A/H5N1 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN