Bộ Y tế cảnh báo lạm dụng kháng sinh có thể tử vong

“Không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn vẫn dùng kháng sinh làm gia tăng tình trạng kháng thuốc, có thể tử vong”.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, việc sử dụng kháng sinh chưa phù hợp, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn đang làm gia tăng kháng thuốc kháng sinh.

Kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị ở các tỉnh phía Bắc cho thấy, nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn.

Trong tổng số gần 3.000 nhà thuốc được điều tra, thì gần 1/3 có bán đơn thuốc kê kháng sinh.

Kháng sinh đóng góp 13% ở thành thị và gần 19% ở nông thôn trong tổng doanh thu của hiệu thuốc. Phần lớn kháng sinh được bán mà không cần đơn 88%  ở thành thị và 91% ở nông thôn.

Ba loại kháng sinh được bán nhiều nhất là ampicillin/amoxicillin, cephalexin và azithromycin. Tỷ lệ người dân được bán kháng sinh mà không có đơn chiếm gần 50% ở thành thị và gần 1/3 ở nông thôn.

Bộ Y tế cảnh báo lạm dụng kháng sinh có thể tử vong - 1

Lạm dụng kháng sinh có thể tử vong.

Tại Hội nghị Triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên cho biết, nếu xảy ra tình trạng kháng kháng sinh sẽ dẫn đến hiệu quả điều trị rất thấp, chi phí điều trị tăng cao thậm chí bệnh nhân sẽ tử vong. Vì vậy, Bộ Y tế cũng ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm yêu cầu các đơn vị thành lập các hội đồng giám sát việc kê đơn của các bác sĩ.

Đồng thời, các đơn vị cũng cần phải phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo để hạn chế tối đa virus, vi khuẩn kháng thuốc.                                                         

TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lý giải, khoảng 90% kháng sinh được bán ở nước ta không có đơn thuốc trong khi đó những người không có kinh nghiệm lại thường đứng bán thuốc…

Ngoài ra, kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng thuốc còn hạn chế, người dân vẫn chủ yếu theo kinh nghiệm nên thường tự ý tăng liều và liệu trình điều trị.

Theo các chuyên gia, mức độ và tốc độ kháng thuốc ở nước ta ngày càng gia tăng, đang ở mức báo động. Đặc biệt là gánh nặng do kháng thuốc ngày càng tăng vì chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài.

Kháng thuốc kháng sinh không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà đang báo động đối với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển.

           

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN