Bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em khá hiếm gặp và ít nghiêm trọng

Nghiên cứu mới đây của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy, trong số hơn 25.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ, chỉ có 0,3% trường hợp xuất hiện ở người dưới 18 tuổi.

Hầu hết trẻ em và vị thành niên mắc bệnh đậu mùa khỉ không nghiêm trọng

Theo nhóm nghiên cứu, đứng đầu bởi Lan Hennessee, chuyên gia về bệnh đậu mùa khỉ tại CDC Mỹ, hầu hết trẻ em và vị thành niên mắc bệnh đậu mùa khỉ (89%) không phải nhập viện, và cũng không phải điều trị tại khoa hồi sức tích cực và chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.

Trong nghiên cứu được công bố mới đây trên Báo cáo hàng tuần về bệnh tật và tử vong của CDC Mỹ, các nhà khoa học đã xem xét 25.038 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ từ giữa tháng 5/2022 đến cuối tháng 9/2022. Kết quả cho thấy, số trường hợp nhiễm bệnh xuất hiện ở trẻ em và vị thành niên là rất ít. Cụ thể, chỉ có 83 ca (tương ứng 0,3%), xuất hiện ở trẻ dưới 18 tuổi, trong đó 55 ca có độ tuổi từ 13 -17 tuổi, và 28 ca là trẻ dưới 12 tuổi.

Phân tích sâu hơn về nguyên nhân nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở 20 trẻ dưới 13 tuổi cho thấy, 19 trẻ được xác định lây nhiễm do tiếp xúc trong môi trường gia đình, trong đó có 17 trẻ tiếp xúc trực tiếp da kề da qua hoạt động chăm sóc hàng ngày của người lớn. Trường hợp thứ 20 được nghi ngờ lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ qua việc sử dụng chung vật dụng (như khăn tắm) mà người lớn bị nhiễm bệnh đã sử dụng trước đó.

Trong số 35 ca đậu mùa khỉ ở vị thành niên, có 32 ca là nam giới, nhóm nghiên cứu cho rằng quan hệ tình dục là phương thức lây truyền chính. Ngoài ra, không ghi nhận dấu hiệu lạm dụng tình dục liên quan đến bất kỳ trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ nào.

Theo nhóm nghiên cứu, điều đáng mừng là không có trường hợp trẻ nhỏ hoặc vị thành niên nào mắc bệnh đậu mùa khỉ phải vào điều trị tại khoa hồi sức tích cực.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, trong số những ca bệnh dưới 13 tuổi, không trẻ nào bị tổn thương ở vùng hậu môn sinh dục và tổn thương chủ yếu xuất hiện ở vùng thân mình. 2 trẻ dưới 5 tuổi bị phát ban đậu mùa khỉ gây tổn thương vùng mí mắt, trong khi 1 trẻ lớn hơn cũng bị các vấn đề về mắt liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ. Cả 3 trường hợp này đều phải nhập viện và sau đó được xuất viện.

Trong số 55 trẻ vị thành niên mắc bệnh đậu mùa khỉ, khoảng 60% trường hợp bị tổn thương ở vùng hậu môn sinh dục. 6 trong số các trường hợp này bị tổn thương nghiêm trọng đến mức phải nhập viện nhằm kiểm soát cơn đau, điều trị nhiễm trùng do nhiễm trùng thứ phát và các triệu chứng phát ban toàn thân.

Đậu mùa khỉ ở trẻ em khá hiếm gặp và ít nghiêm trọng.

Đậu mùa khỉ ở trẻ em khá hiếm gặp và ít nghiêm trọng.

Phòng bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em vẫn cần được quan tâm

Kể từ khi bùng phát trên toàn cầu vào đầu năm nay, bệnh đậu mùa khỉ (ban đầu chỉ xuất hiện ở châu Phi) đã gây lây nhiễm cho hàng chục nghìn người trên toàn thế giới.

Theo các chuyên gia, bệnh đậu mùa khỉ do virus gây ra được đặc trưng bởi các tổn thương gây đau và thường lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp da với da. Phần lớn các trường hợp xảy ra ở nam giới đồng tính nam và lưỡng tính.

Các chuyên gia cho biết: "Mặc dù khá hiếm gặp, các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở trẻ em vẫn có thể xảy ra, vì vậy người lớn khi bị mắc bệnh đậu mùa khỉ mà có hoạt động tiếp xúc với trẻ em trong nhà thì nên tuân thủ các hướng dẫn về phòng ngừa lây truyền bệnh để tránh sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ, trong đó bao gồm việc che phủ các tổn thương nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh khi tiếp xúc da với da".

"Trẻ vị thành niên có hoạt động tình dục, đặc biệt là có quan hệ tình dục đồng giới nam với nam, nên cân nhắc việc tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ nếu có đủ điều kiện" – Các chuyên gia cho biết thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

Ca nghi mắc đậu mùa khỉ ở Đắk Lắk có kết quả xét nghiệm âm tính

Trường hợp người dân có yếu tố dịch tễ từ Nam Phi trở về tỉnh Đắk Lắk đã có kết quả xét nghiệm Realtime PCR âm tính với virus gây bệnh đậu mùa khỉ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo BS.Tài Văn ([Tên nguồn])
Bệnh đậu mùa khỉ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN