Bác sỹ kể tình huống chết oan không đáng có (1): Cái chết ám ảnh của nhiều người vì chủ quan chó nhà cắn

Sự kiện: Sống khỏe

Chỉ chủ quan với vết chó cắn và tin uống thuốc nam, đắp lá… có thể chữa được bệnh do chó cắn nên đã có trường hợp tử vong do phát bệnh dại.

Tử vong vì uống thuốc nam, đắp lá sau khi chó cắn

Liên tiếp thời gian gần đây nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng nguy kịch vì chó cắn. Các bác sĩ Khoa Cấp cứu (BV Nhiệt đới TƯ) vẫn không thể quên được trường hợp một cậu bé ở Thái Bình đã chết vì bệnh dại. Khi bị con chó nhà nuôi cắn, vì nghĩ là chó nhà lành và người quen lại bảo tiêm vắc xin dại sẽ làm giảm trí nhớ nên gia đình lo sợ không cho em đi tiêm vắc xin phòng dại.

Lúc đó, thấy có người mách ông thầy lang có phương pháp thử chỉ qua vết cắn có thể xác định được rằng chó dại hay không rồi mới tiêm, gia đình đã đưa bé đến. Khi thầy phán vết cắn không phải do chó dại và sắc lá thuốc nam uống cộng với việc quan sát thấy con chó nhà chưa có dấu hiệu ốm gì sau vài hôm, cả nhà yên tâm đưa con về và thịt ngay con chó. Sau gần một tháng, cậu bé có biểu hiện sợ nước, sợ gió và khó thở, gia đình mới vội đưa vào viện. Các bác sỹ chẩn đoán cháu bị bệnh dại. Tuy nhiên, lúc này bệnh nhân đã lên cơn dại điển hình, không thể điều trị được. Sau 1 ngày vật lộn với những cơn dại hành hạ, cháu được cho về nhà chờ chết.

Bác sỹ kể tình huống chết oan không đáng có (1): Cái chết ám ảnh của nhiều người vì chủ quan chó nhà cắn - 1

Sau khi bị chó cắn nên tiêm phòng đừng tin vào các bài thuốc truyền miệng để tránh rước họa bản thân. Ảnh TL

Anh N.H.A (Hà Nam) sau khi bị chó cắn vào hai ngón tay cũng không tiêm phòng vì nghĩ vết cắn nông, chảy máu ít. Nghe lời mách anh chỉ rửa vết thương rồi đắp hỗn hợp xì dầu đánh với lòng đỏ trứng vào vết thương để hóa giải độc tố mà không cần tiêm vắc xin phòng dại, anh làm theo. Kết quả vì chủ quan với vết chó cắn, anh đã phải trả giá bằng mạng sống khi phát bệnh không kịp cứu nữa.

Thời gian ủ bệnh thường rất lâu

BS Nguyễn Trung Cấp (BV Nhiệt đới TƯ) cho rằng, người bị động vật như chó, mèo tấn công bên cạnh tổn thương ngoài da còn phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh dại - bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm lây truyền từ động vật sang người. Người nhiễm vi rút dại khi đã lên cơn dại tỷ lệ tử vong gần 100%. Mỗi năm bệnh viện Nhiệt đới TƯ vẫn tiếp nhận thường xuyên các ca nhập viện do chó cắn. Có những ca tử vong do chủ quan với vết chó cắn vì tin vào phương pháp điều trị truyền miệng, đắp lá… sau đó bệnh chuyển biến nặng khi đưa vào viện đã không thể cứu.

Nói về cách chữa bệnh lạ lùng như trên của hai bệnh nhân, BS Nguyễn Trung Cấp cho rằng, những cách chữa đó là thiếu cơ sở khoa học. Không hiểu họ căn cứ vào đặc điểm nào để phán con chó cắn bệnh nhân có bị nhiễm vi rút dại hay không chỉ qua vết cắn. Với mắt thường khó có thể phân biệt được con chó cắn người có mang virus dại hay không. Đến nay việc điều trị bằng thuốc Nam chưa có biện pháp nào khẳng định được hiệu quả trong phòng, chữa bệnh dại.

Hơn nữa, sau khi bị chó cắn bệnh không có biểu hiện ngay nên nhiều người chủ quan. Thường bệnh nhân bị virus dại tấn công sau 3-4 tuần mới có biểu hiện bệnh nhưng cũng có trường hợp ủ bệnh sau nhiều tháng, hiếm khi dưới 10 ngày. Biểu hiện ban đầu là đau nhức nơi vết cắn, sưng tấy vết cắn kèm sốt, đau đầu, lo lắng, trằn trọc… Sau đó là tình trạng co cứng, co thắt, co giật, run các cơ, kể cả cơ mặt, sùi bọt mép, sợ ánh sáng, sợ nước, sợ gió… Các vị trí bị cắn càng ở gần thần kinh trung ương càng phát bệnh nhanh. Điều đáng tiếc là họ hoàn toàn có thể tránh được cái chết bằng cách tiêm văcxin khi bị chó cắn.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi bị vật nuôi cắn chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Với những trường hợp bị cắn ở vùng đầu mặt cổ, ngoài tiêm vắc xin nên nhớ tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt trong vòng 12 giờ sau khi bị cắn.

Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không với vết chó cắn vì tin uống thuốc nam, đắp lá… có thể chữa được bệnh, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại. Ngoài ra cần lưu ý khi bị chó cắn hoặc thấy chó ốm, tuyệt đối người nhà không được đập chết chó hoặc bán chó trong vòng 10 ngày. Làm như vậy không những không theo dõi được tình trạng của chó, mà trong trường hợp chó bị bệnh thì vô tình làm phát tán mầm bệnh ra cộng đồng. Ngay cả người giết mổ khi bị dãi con chó mắc dại rớt vào vùng cơ thể bị trầy xước cũng có nguy cơ mắc bệnh dại.

Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại, và tránh được tình huống chết oan không đáng có, chẳng may bị vật nuôi cắn, kể cả chúng đã được tiêm phòng dại cũng cần xử lý ngay vết cắn bằng xà phòng hoặc với nước sạch trong vòng 15 phút. Sau đó cần rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn iôt hoặc povidone - iodine nếu có, rồi tới cơ sở y tế để kịp thời có chỉ định.

Bác sĩ cấp cứu kể nỗi ám ảnh, bất lực trước ánh mắt người sắp chết vì chó cắn

Khi đã bị lên cơn dại, bệnh nhân sẽ có biểu hiện bị kích thích, vật vã, sợ nước, sợ gió...; sau đó lên cơn khó thở,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo P. Thuận ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN