Bác sĩ cứu người chứ không thực hiện 'cái chết êm ái'

Nhưng nói đi cũng phải nói lại: Bác sĩ là để cứu người chứ không ai muốn phải dùng đến “cái chết êm ái” cả, nếu bảo tôi làm chắc tôi sẽ không làm được.

Đề xuất cho phép thực hiện “cái chết êm ái” trong Dự thảo Luật Dân số của bộ Y tế đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Đây là một hình thức trợ tử (hỗ trợ bệnh nhân được chết) đã được áp dụng tại một số quốc gia trên thế giới như Hà Lan, Bỉ, Mỹ, Argentina, Hàn Quốc.

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) tỏ ra rất tán thành với đề xuất trên: “Tôi ủng hộ việc ra luật cho người ta có quyền chọn cái chết cho mình. Với những người ốm đau, bị bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y thậm chí những người già yếu không có người nuôi dưỡng mà họ cảm thấy họ muốn được chết thì nên để họ có quyền lựa chọn “cái kết” cho mình… Đó mới chính là nhân văn, còn cứ giữ người ta trong lúc người ta sống không bằng chết thì còn khổ hơn nữa. Con người ta có quyền được chọn cái chết khi người ta không muốn sống nữa.”

Một bác sĩ thuộc Bệnh viện K Trung ương cho biết, nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối phải trải qua những ngày tháng cuối đời vô cùng đau đớn. Họ chỉ bám chân xin bác sĩ cho được chết, mà các bác sĩ không dám hay không có cách nào giúp họ. Đó là chưa kể những người nghèo phải xin về quê đợi chết, không có tiền mua thuốc giảm đau nên con đường đến cái chết của họ thực sự đau đớn, ám ảnh. “Lúc đó, nếu như có cái chết êm ái thì có lẽ sẽ an ủi họ phần nào”, bác sĩ này cho biết.

Bác sĩ cứu người chứ không thực hiện 'cái chết êm ái' - 1

“Lúc đó nếu như có cái chết êm ái thì có lẽ sẽ an ủi họ phần nào”.

Còn với đa số các người nhà bệnh nhân họ đều có chung một tâm trang, một suy nghĩ “còn nước còn tát”, theo đuổi chữa trị đến cùng. Chị Chính (Hải Dương) có chồng bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối, đau đớn hành hạ nhiều lúc ông chỉ muốn chết đi, có lúc ông không chịu điều trị, uống thuốc nhưng người nhà luôn ở bên động viên, muốn ông sống được ngày nào hay ngày ấy. Chị Chính nói: “Còn nước, còn tát. Mình phải chữa cho người nhà của mình đến khi không thể nữa thì mới thôi. Người còn sống đây, sao có thể nhẫn tâm chọn “cái chết êm ái” cho họ được. Mặc dù nhìn chồng đau đớn cũng đau lòng, xót xa lắm, nhưng mà mình còn được chăm sóc, con cái còn được gần gũi bố, cháu được gần ông thêm ngày nào hay ngày đó”.

Là một bác sĩ tương lai, Phan Tiến Lộc – chuyên ngành bác sĩ đa khoa, Đại học Y Hà Nội, cho rằng đây có thể là một dự luật khá tích cực, vì đối với các bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân bị bệnh ung thư giai đoạn cuối, hay các bệnh nhân sống thực vật… vì cuộc sống của họ quá đau đớn, sống cũng khổ cả mình, khổ cả người nhà mà chết thì để lại nỗi đau quá lớn cho người thân, thì việc áp dụng luật này cũng không có gì là trái lương tâm.

“Đối với những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo và không có hi vọng sống nữa mà cả người nhà, bệnh nhân đồng ý thực hiện “cái chết êm ái” thì cũng không có gì là sai, nhưng chắc cũng sẽ rất ám ảnh. Có nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối phải trải qua những ngày tháng cuối đời vô cùng đau đớn. Nếu như có “cái chết êm ái” thì có lẽ sẽ đỡ khổ cho họ phần nào. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bác sĩ là để cứu người chứ không ai muốn phải dùng đến “cái chết êm ái” cả, nếu bảo tôi làm chắc tôi sẽ không làm được”, Phan Tiến Lộc nói.

Dù rất ủng hộ áp dụng "cái chết êm ái" nhưng PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ - Chủ tịch Hội Lao và bệnh phổi VN, cũng phải thừa nhận: “Về mặt nhân văn, không ai muốn người thân ra đi, dù là chết êm ái. Nhưng theo tôi, vẫn nên áp dụng quy định này ở Việt Nam. Muốn áp dụng được, phải có sự đồng thuận cao của cả người bệnh lẫn người thân trong gia đình. Ví dụ như người bệnh bị ung thư, đau đớn cùng cực và vô phương cứu chữa, nếu họ chủ động quyết định và quyết định được thì nên ủng hộ. Họ làm chủ cuộc sống của họ mà.” Tuy nhiên, là bác sĩ, tôi luôn có suy nghĩ “còn nước còn tát”. Vì thế, tôi không dám quyết cho ai “chết êm ái” cả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Bích (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN