“Tôi không dám quyết cho bệnh nhân chết êm ái!”

Dù rất ủng hộ áp dụng "cái chết êm ái" ở VN nhưng PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ - Chủ tịch Hội Lao và bệnh phổi VN, nguyên Giám đốc BV Phổi T.Ư thừa nhận: "Không dám quyết cho bệnh nhân chết êm ái".

Hiện Bộ Y tế đang dự kiến đưa quy định về "cái chết êm ái" vào Luật Dân số, theo TS, có nên áp dụng quy định này ở Việt Nam?

 

Vấn đề này có rất nhiều ý kiến trái chiều. Về mặt nhân văn, không ai muốn người thân ra đi, dù là chết êm ái. Nhưng theo tôi, vẫn nên áp dụng quy định này ở Việt Nam. Muốn áp dụng được, phải có sự đồng thuận cao của cả người bệnh lẫn người thân trong gia đình. Ví dụ như người bệnh bị ung thư, đau đớn cùng cực và vô phương cứu chữa, nếu họ chủ động quyết định và quyết định được thì nên ủng hộ. Họ làm chủ cuộc sống của họ mà.

Tuy nhiên, nếu là bệnh nhân sống thực vật thì là vấn đề phức tạp, vì người khác (cụ thể là người thân trong gia đình) phải quyết định cho người đó sống hay chết. Để ai quyết định điều đó cũng rất khó khăn. Chẳng hạn như một đứa bé sống thực vật, chắc không bố mẹ nào nỡ để con chết.

“Tôi không dám quyết cho bệnh nhân chết êm ái!” - 1

PGS-TS Đinh Ngọc Sỹ

Theo cơ quan soạn thảo, không chỉ có bệnh nhân, người nhà quyết định điều này mà cần đến cả hội đồng y khoa. Theo ông, hội đồng này sẽ làm việc gì?

- Tôi chưa biết đó là hội đồng gì, nhưng phải có người chịu trách nhiệm quyết định, đó thường là chủ tịch hội đồng. Người đó phải quyết định được bệnh nhân mắc bệnh mà y học bó tay, để lại gánh nặng tài chính rất nặng nề cho gia đình...

Cá nhân ông có thấy bệnh nhân nào từ chối điều trị không?

- Chuyên ngành của tôi là bệnh lao và bệnh phổi, bệnh này hiện có thể điều trị khỏi nhưng cũng có một số thể lao dễ chết như lao màng não, lao xương, lao đa phủ tạng giai đoạn cuối. Bệnh lao nếu phát hiện sớm thì thể lao nào cũng chữa khỏi, nhưng nếu để quá muộn thì khả năng điều trị thấp. Trường hợp để quá muộn thường là người già sống cô đơn. Khi thấy bị ho chỉ nghĩ là ho qua quýt nên không đi khám bệnh hoặc tự bản thân họ không đi khám được, tới lúc bệnh quá nặng thì họ cũng có tâm lý buông xuôi không muốn điều trị. Ngoài ra còn có bệnh nhân lao nhiễm HIV cũng có người từ chối điều trị…

Đó là số từ chối điều trị, số tử vong khi đang điều trị có lớn không, thưa ông?

- Hiện nay, ngành y chưa có ghi nhận tử vong vì bệnh lao khi đang điều trị vì rất khó để xác định bệnh nhân chết do bệnh lao hay các bệnh khác (mắc song song) như tim mạch, tiểu đường, AIDS. Tuy nhiên, theo số liệu mà tôi biết được thì có khoảng 3.000 người chết vì lao/năm khi đang điều trị, vì nhiều lý do, chưa hẳn là vì vi khuẩn lao.

Trong tương lai, với những người từ chối điều trị hoặc biết sẽ chết trong quá trình điều trị (như đã đứt mạch máu do ho quá nhiều) như vậy muốn được “chết êm ái” và mời ông làm chủ tịch hội đồng y khoa quyết định việc đó, ông có nhận không?

- Không, tôi nói thật là không. Là bác sĩ, tôi luôn có suy nghĩ “còn nước còn tát”. Hơn nữa, như tôi đã nhấn mạnh, bệnh lao là bệnh có thể chữa khỏi chứ không như các bệnh nan y, y học bó tay khác. Vì thế, tôi không dám quyết cho ai “chết êm ái” cả

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê An (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN