9 tháng đầu năm, xử phạt hơn 100 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng

Để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, Bộ Y tế đã kiểm tra đột xuất và xử phạt hơn 100 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng.

Có lẽ chưa bao giờ số vụ vi phạm thực phẩm chức năng được phát hiện trong thời gian vừa qua lại được ngành y tế phát hiện nhiều như vậy.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế, từ ngày 1.1 đến 1.9, Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định xử phạt 131 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm trong đó 109 cơ sở vi phạm về thực phẩm chức năng với tổng số tiền phạt lên đến hơn 2, 4 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm, xử phạt hơn 100 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng - 1

Thực phẩm chức năng giả bị cơ quan điều tra thu giữ. (Ảnh: Xuân Lực)

Đặc biệt, Bộ Y tế cho biết, trong tháng cao điểm thanh tra, kiểm tra đối với thực phẩm chức năng, chỉ trong vòng nửa tháng từ ngày 15.8 đến ngày 1.9, cơ quan này đã ban hành quyết định xử phạt 13 doanh nghiệp thực phẩm chức năng với số tiền phạt 200 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xử lý này chưa xuể so với số lượng hơn 10.000 sản phẩm đang lưu thông trên thị trường.

Theo ông Giang, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, thực phẩm chức năng vi phạm chiếm tỷ lệ lớn nhất vẫn là doanh nghiệp không kiểm nghiệm định kỳ cho các sản phẩm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phong- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế cho biết, đại đa số những sai phạm liên quan tới thực phẩm chức năng thời gian qua là quảng cáo khi chưa được cấp phép. Tuy nhiên, việc xử phạt thường mới dừng lại ở xử lý hành chính phạt tiền.

Cũng theo ông Phong, hiện thực phẩm chức năng không phải là thuốc, nên chưa có quy định bắt buộc công bố định lượng sản phẩm và không kiểm nghiệm lâm sàng như thuốc, trong khi đó, một bộ phận người dân lại đang "thần thánh hóa" thực phẩm chức năng, coi thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh.

“Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của thực phẩm chức năng, nhưng cũng không được “thần thánh hóa” sản phẩm này và cũng không nên tẩy chay thực phẩm chức năng”, ông Phong cho hay.

Bộ Y tế khuyến cáo, thực phẩm chức năng có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái và hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh. Tuy nhiên, người dân không được lạm dụng các sản phẩm này.

“Người dân luôn cần hiểu rằng, thực phẩm chức năng chỉ là sản phẩm hỗ trợ điều trị, chứ không phải thuốc. Khi mắc bệnh, tuyệt đối không được bỏ thuốc điều trị để dùng thực phẩm chức năng”, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo.

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, thời gian tới Cục An toàn thực phẩm sẽ thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm chức năng, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm sẽ thẩm định điều kiện cơ sở và chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm để phối hợp quản lý sản phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh….

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN