7 loại nước người tiểu đường có thể uống thường xuyên

Cà phê nguyên chất, sinh tố rau xanh, nước chanh, trà thảo mộc giàu vitamin, chất chống oxy hóa góp phần ổn định lượng đường trong máu.

Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA) khuyến nghị người mắc bệnh này nên chọn đồ uống không hoặc ít calo, cân đối lượng carbohydrate tiêu thụ để tránh ảnh hưởng đến đường huyết. Chọn đồ uống phù hợp còn giúp kiểm soát các triệu chứng, duy trì cân nặng khỏe mạnh, tăng sức đề kháng chống lại bệnh. Dưới đây là một số đồ uống người tiểu đường có thể dùng thường xuyên.

Sinh tố rau xanh

Sinh tố xanh cung cấp chất xơ, nước, giúp cân bằng chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống hằng ngày. Quá trình tiêu hóa chất xơ chậm có tác dụng ổn định đường huyết. Người bệnh tiểu đường có thể dùng rau xanh như rau bina, cải xoăn, cần tây và một ít bột protein từ bơ đậu phộng hoặc các loại hạt để làm sinh tố.

Cà phê nguyên chất

Uống cà phê có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 bằng cách cải thiện quá trình chuyển hóa đường theo thời gian. Cà phê giàu chất chống oxy hóa còn mang lại nhiều lợi ích cho gan, tim... Ưu tiên loại nguyên chất vì thêm sữa, kem, sirô có hương vị hoặc đường làm tăng lượng calo tổng thể, dễ khiến đường huyết cao.

Cà phê nguyên chất giàu chất chống oxy hóa. Ảnh: Anh Chi

Cà phê nguyên chất giàu chất chống oxy hóa. Ảnh: Anh Chi

Nước chanh

Một cốc nước chanh lạnh trong mùa hè có tác dụng giải nhiệt, giữ nước. Người tiểu đường có thể uống nước chanh mỗi ngày mà không lo tăng đường huyết do không chứa carbohydrate và calo.

Trà

Uống trà xanh mỗi ngày góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2. Trà xanh chứa catechin làm tăng độ nhạy insulin, hỗ trợ chuyển hóa đường. Các loại trà thảo mộc như trà hoa cúc, dâm bụt, gừng và bạc hà đều không chứa carbohydrate, calo và đường. Chúng giàu chất chống oxy hóa như carotenoid, flavonoid và axit phenolic góp phần chống lại bệnh tật.

Sữa

Sữa cung cấp các vitamin và khoáng chất quan trọng, tốt cho sức khỏe. Sữa nguyên chất làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thu, ít làm tăng lượng đường trong máu. Người tiểu đường có thể uống 2-3 ly sữa (tối đa 230 ml) mỗi ngày. Nên chọn loại nguyên chất, ít béo hoặc không béo để phù hợp với kế hoạch kiểm soát bệnh tiểu đường.

Nước lọc

Uống đủ nước quan trọng đối với sức khỏe, nhất là với người bệnh tiểu đường. Nước lọc không chứa calo, carbohydrate và đường. Uống nhiều nước trong ngày hỗ trợ kiểm soát lượng đường bằng cách loại bỏ lượng đường thừa trong máu qua nước tiểu.

Sinh tố trái cây

Sinh tố trái cây từ táo hay quả mọng như dâu tây, việt quất, nhỏ giàu vitamin, chất dinh dưỡng. Xay trái cây với một ít đá và thưởng thức 100 ml mỗi ngày. Hạn chế thêm sữa, đường và các hương vị vào nước ép để tránh ảnh hưởng đến đường huyết.

Nguồn: [Link nguồn]

Người bệnh tiểu đường cần cảnh giác với những thực phẩm thoạt nhìn có vẻ vô hại với đường huyết, nhưng trên thực tế chúng có chứa một lượng đường nhất định hoặc chất béo bão hòa có thể dẫn tới các vấn đề về đường huyết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Chi (Theo Healthline, WebMD) ([Tên nguồn])
Bệnh tiểu đường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN