3 yếu tố gia tăng sốt xuất huyết

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa cảnh báo, năm nay là năm chu kỳ dịch (3 năm/lần) sốt xuất huyết (SXH) ở các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Trên cả nước, số bệnh nhân mắc SXH giảm 22% so với cùng kỳ năm 2012, nhưng lại tăng cao ở miền Trung và Tây Nguyên.

Đứng đầu danh sách được cảnh báo là tỉnh Khánh Hòa với gần 4.000 ca mắc bệnh SXH, trong đó có 2 ca tử vong. Các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa và Viện Pasteur Nha Trang cho rằng hiện ở Khánh Hòa có cả 4 type virus gây bệnh.

Từ đầu năm, tỉnh Phú Yên cũng ghi nhận hơn 1.350 ca mắc SXH, đứng thứ hai khu vực miền Trung, và cũng đã có 2 trường hợp tử vong vào đầu tháng 7.2013. Theo bác sĩ Nguyễn Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Phú Yên, ca bệnh có nhiều ở một số xã vùng sâu, trong khi người dân còn chưa có ý thức phòng bệnh.

3 yếu tố gia tăng sốt xuất huyết - 1

Ngành y tế Quảng Nam tăng cường phun thuốc diệt muỗi để phòng, chống dịch.

Tại tỉnh Quảng Nam, tính tới cuối tháng 9.2013 cũng đã có hơn 850 ca bệnh, trong đó riêng huyện Duy Xuyên có 98 ca. Bác sĩ Nguyễn Văn Thạnh - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Duy Xuyên cho biết, số ca mắc tăng rất nhanh trong tháng 9, trong đó xã Duy Nghĩa có 46 người. Trung tâm Y tế huyện đã phải triển khai ngay việc phun thuốc phòng dịch.

Nhận định về sự gia tăng này, ông Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, có 3 yếu tố khiến số mắc SXH tăng cao: Năm 2013 là năm chu kỳ dịch tại miền Trung và Tây Nguyên (năm 2010, khu vực này cũng đã có dịch lớn nên khả năng miễn dịch của người dân ở khu vực này đã giảm); sức đề kháng hóa chất của muỗi gây bệnh tại một số khu vực đã tăng lên; thời tiết mưa nắng thất thường- đặc biệt là mấy cơn bão vừa qua tạo môi trường ẩm thấp, thuận lợi cho muỗi gây bệnh SXH.

Vì tính chất dịch bệnh gia tăng nhanh, Cục Y tế dự phòng đã có chỉ đạo đẩy mạnh phòng, chống bệnh SXH ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Hiện tại, ở nước ta có 4 loại thuốc hóa chất diệt muỗi được Bộ Y tế cấp phép nhưng tại một số tỉnh, phân nửa loại thuốc này đã bị muỗi kháng thuốc, số còn lại phải tăng nồng độ cao hơn rất nhiều mới có tác dụng. Vì thế, các chuyên gia y tế dự phòng cũng cảnh báo, việc pha và phun hóa chất diệt muỗi phải được thực hiện theo quy trình hướng dẫn của Bộ Y tế.

Việc phòng, chống phải làm đồng bộ và có sự thống nhất trong tỉnh và giữa các tỉnh để tránh việc muỗi “di cư” từ địa bàn này sang địa bàn khác và kháng thuốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phúc Lâm (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN