Vắc xin chữa Covid-19 nhan nhản trên mạng xã hội: Hàng thật hay giả?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Chính phủ Trung Quốc đã đăng thông tin cảnh báo người dân cẩn trọng, không để bị mắc lừa trước những chiêu trò lừa đảo trên các trang mạng xã hội, trong đó một số kẻ lừa đảo đã chào bán vắc xin Covid-19 dù chưa có loại vắc xin nào trên thị trường.

Các quảng cáo tuyên bố bán hai loại vắc-xin Covid-19 đã xuất hiện trên mạng xã hội WeChat được một thời gian.

“Hãy liên hệ với tôi nếu bạn cần vắc-xin điều trị corona. Loại vắc xin này được sản xuất để xuất khẩu và số lượng sản xuất rất ít nên mọi người phải xếp hàng. Vắc xin sẽ chính thức ra mắt vào ngày 2 tháng 9”, một bài đăng bán sản phẩm vắc xin do Sinovac Biotech sản xuất.

Tuy nhiên phát ngôn viên của Sinovac, Liu Peicheng, khẳng định với South China Morning Post rằng quảng cáo trên WeChat không hề xác thực. Ông cho biết vắc xin của Sinovac hiện đang trong giai đoạn 3 nghiên cứu lâm sàng ở Brazil và Indonesia, chưa được chấp thuận đưa ra thị trường.

Ông Liu không trả lời câu hỏi liệu vắc xin có thật hay không và liệu chúng có được sản xuất bởi Sinovac hay không.

Một loại vắc xin được quảng cáo trên mạng xã hội WeChat (Nguồn: SCMP)

Một loại vắc xin được quảng cáo trên mạng xã hội WeChat (Nguồn: SCMP)

Một loại vắc xin khác đang được quảng cáo là của Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán. Vắc xin được đăng bán với giá 498 nhân dân tệ (tương đương 1,6 triệu đồng) một liều và mọi người cần phải sử dụng ba liều để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh dịch.

“Các nhân viên y tế và người đi nước ngoài được ưu tiên tiêm vắc-xin này", quảng cáo trên WeChat viết. Tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Vũ Hán tuyên bố vắc xin của viện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và chưa có mặt trên thị trường.

Ngành công nghiệp vắc xin của Trung Quốc từ lâu đã sa lầy vào các vấn đề chất lượng và bê bối, gây ra sự nghi ngờ trong người dân.

Trong một động thái nhằm khôi phục niềm tin của công chúng, Trung Quốc đã tăng cường quy định đối với vắc xin và vào năm 2018, nước này đã áp dụng khoản tiền phạt kỷ lục 9,1 tỷ nhân dân tệ đối với một trong những nhà sản xuất vắc xin phòng bệnh dại lớn nhất cả nước, Changchun Changsheng Biotechnology. Công ty đã buộc phải ngừng sản xuất sau khi bị phát hiện ra sản phẩm vắc xin lỗi và đã tiêm cho hàng trăm nghìn trẻ em, gây ra sự phẫn nộ trên toàn quốc.

Huang Simin, một luật sư có trụ sở tại Vũ Hán am hiểu về luật vắc xin, cho biết việc các cá nhân bán vắc xin trên mạng xã hội là bất hợp pháp và các nhà chức trách nên áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn các hành vi lừa đảo này.

“Trung Quốc từ lâu đã có nhiều bê bối về vắc xin và không phải chỉ đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra thì việc này mới nảy sinh. Có rất nhiều vấn đề trong khâu phân phối vắc xin, dẫn tới hàng loạt sự cố y tế", luật sư Simin nói.

“Vì đại dịch đang diễn ra, ai cũng hy vọng sẽ có vắc xin ngừa virus corona chủng mới và điều này khiến một số kẻ làm liều. Không phải ai cũng hiểu biết về các quy định nghiêm ngặt liên quan tới luật quản lý vắc-xin mới”, luật sư nhấn mạnh.

Theo Luật Quản lý Vắc xin Trung Quốc, tổ chức và cá nhân không thuộc các cơ quan quản lý y tế của chính phủ không được phép cung cấp vắc xin cho một đơn vị tiêm chủng thuộc bên thứ ba.

Nguồn: [Link nguồn]

Vắc xin chữa Covid-19 đầu tiên do Nga sản xuất có giá bao nhiêu?

Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vắc xin COVID-19 sau chưa đầy...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Nguyễn (Theo SCMP) ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN