“Truy” Bộ trưởng Công thương về hàng Trung Quốc “đội lốt” Việt Nam

Sự kiện: Kinh Doanh

Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về hàng loạt các mặt hàng ngành điện tử, dệt may, da giày... có dấu hiệu tranh thủ lợi dụng gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp đã được phát hiện.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng chiều 6/11, Đại biểu Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) đã đề cập tình trạng doanh nghiệp lợi dụng nhãn mác hàng Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp hàng nhập khẩu từ Trung Quốc rồi xuất khẩu sang nước khác được cảnh báo từ lâu, song chậm xử lý. "Nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý thế nào", bà đặt vấn đề.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn

Trả lời sau đó, ông Trần Tuấn Anh cho rằng "không chậm trễ trong ngăn ngừa các hành vi này". Ông nói, đây là thực trạng Bộ Công Thương đã nhận diện từ năm 2016 sau khi Việt Nam hội nhập sâu rộng thông qua loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều ưu đãi thuế quan.

“Khi FTA chính thức có hiệu lực sẽ mang lại những cơ hội cho chúng ta trong tăng trưởng xuất khẩu cũng như năng lực cạnh tranh cho sản phẩm sang các nước. Tuy nhiên, cùng với những ưu đãi thuế quan và những điều kiện khác trong tiếp cận thị trường, xuất hiện những dấu hiệu cho thấy các sản phẩm “đội lốt” xuất xứ hàng hoá của Việt Nam để tranh thủ các ưu đãi về thuế quan” – Bộ trưởng Tuấn Anh nêu rõ. 

Ông dẫn trường hợp phát hiện 1,8 triệu tấn nhôm trị giá 4,3 tỷ USD gần đây đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặn đứng. Ngoài ra, loạt lĩnh vực khác như điện tử, dệt may, da giày... cũng có dấu hiệu tranh thủ lợi dụng gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp đã được phát hiện.

Báo cáo đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương cho biết, có thể chúng ta không chậm trễ và không gây ra những tổn hại ảnh hưởng đến quan hệ chính thức của chúng ta đối với các đối tác.

"Tôi lấy ví dụ ngay trong quan hệ với Hoa Kỳ, xuất nhập khẩu tăng trưởng rất mạnh trong thời gian qua rất dễ bị lợi dụng. Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta đã có sự chỉ đạo rất mạnh mẽ và chặt chẽ thường xuyên của Thủ tướng.

Bộ đã chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp cùng các bộ, ngành xử lý. Chúng ta đã không chậm trễ trong ngăn ngừa các hành vi này, tránh được ảnh hưởng tới quan hệ thương mại với các đối tác xuất khẩu, chẳng hạn với Mỹ dù Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng đột biến vừa qua", ông nhấn mạnh.

Theo Báo cáo của hải quan TP HCM, thời gian gần đây đơn vị này liên tiếp phát hiện các lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có dấu hiệu giả mạo xuất xứ Việt Nam. Cuối tuần trước, container chứa 317 kiện hàng (khoảng 7,2 tấn) nệm, chăn, gối cao su bị bắt giữ trên tờ khai nhập khẩu và xuất xứ Trung Quốc nhưng trên nhãn sản phẩm lại ghi xuất xứ, thương hiệu của Việt Nam.

Trước đó, Cục Hải quan TP HCM cũng  phát hiện lô hàng gần 8.500 sản phẩm quần áo từ Trung Quốc giả mạo xuất xứ Việt Nam và Hàn Quốc.

Tương tự, tại Bình Dương, hơn 10 container xe đạp đang bị tạm giữ. Hải quan cho biết, kiểm tra tại chỗ phát hiện số xe đạp nguyên chiếc này 100% nhập từ nước ngoài nhưng tem mác lại ghi sẵn "Made in Vietnam". Trong khi đó, doanh nghiệp khai báo là xe đạp lắp ráp tại Việt Nam. 

Theo quy định, những mặt hàng này phải chịu thuế 20-25% nhưng khai báo C/O Trung Quốc để không phải nộp thuế.

Các chuyên gia cho biết,  tình trạnh này ngày càng diễn biến phức tạp khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa đến hồi kết.

Không chỉ giả mạo xuất xứ để tiêu thụ tại thị trường trong nước, nhiều đơn vị còn bị nghi lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang nước thứ ba, đặc biệt là Mỹ để hưởng ưu đãi thuế quan.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ đã có danh sách cảnh báo loạt mặt hàng có thể nằm trong diện "chống lẩn tránh" thuế khi xuất sang thị trường Mỹ, trong đó có mặt hàng được nâng mức độ cảnh báo lên ngưỡng cao nhất - cấp độ nguy hiểm.

Một trong số mặt hàng nằm trong diện cảnh báo nguy hiểm nhiều khả năng bị điều tra lẩn tránh thuế là gỗ dán. Hiện Mỹ áp thuế chống bán phá giá với gỗ từ Trung Quốc 183,36% và thuế chống trợ cấp là 22,98 - 194,9%, trong khi mức thuế áp dụng với hàng Việt Nam là 8%. Sự chênh lệch thuế quá lớn khiến các nhà buôn lợi dụng, biến Việt Nam thành nơi trung chuyển hàng rồi tìm cách xuất khẩu sang Mỹ.

Tạm giữ xe container vận chuyển hàng hóa mang nhãn hiệu nổi tiếng nhập lậu

CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh trong quá trình tuần tra, kiểm soát đã phát hiện xe container chở số lượng hàng hiệu lớn nhập...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN