Trồng giống sen “lạ” trên đất trũng, nông dân thu cả tỷ đồng mỗi vụ

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Việc trồng giống sen có đài to, hạt đều, chắc, năng suất cao kết hợp với nuôi cá, tổ hợp tác sản xuất sen sạch của ông Tuân có thể thu về khoảng 30-40 tấn hạt sen, đạt doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng.

Sinh ra và lớn lên tại Phú Xuyên (Hà Nội) với nhiều năm liền gắn bó với mảnh đất vùng đồng chiêm trũng, ông Phạm Ngọc Tuân, trú tại thôn Phong Triều, xã Nam Triều đã luôn trăn trở khi diện tích đất trũng trồng lúa theo phương thức 1 lúa 1 cá tại địa phương chưa hiệu quả, đồng thời chưa giải quyết được việc làm cho người nông dân.

Qua quá trình nghiên cứu, năm 2018, ông Tuân nảy ra ý định biến diện tích trồng lúa kém hiệu quả của bà con thành đầm sen, cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, giống sen truyền thống, bản địa đã bị thoái hóa, năng suất chất lượng kém.

Ông Tuân (bên phải) giới thiệu về giống sen Nhật có năng suất và chất lượng cao cho khách đến thăm quan.

Ông Tuân (bên phải) giới thiệu về giống sen Nhật có năng suất và chất lượng cao cho khách đến thăm quan.

Vì vậy, ông bỏ công đi tìm hiểu những mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá ở một số địa phương tại Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình… và biết được đến một số mô hình trồng sen Nhật lấy hạt, cho năng suất cao nên đi tìm hiểu để về trồng tại quê mình.

Cuối năm 2019, ông Tuân đã bắt tay vào xin thuê lại đất của người dân rồi cải tạo, trồng sen Nhật kết hợp với nuôi cá. Năm đầu tiên, cây sen cho kết quả ngoài mong đợi khi mỗi sào ruộng có thể cho thu hoạch được 140-150kg hạt.

Sen thu hoạch đến đâu được một doanh nghiệp xuất khẩu tại Hưng Yên thu mua ngay tại ruộng đến đó với giá từ 40-50.000 đồng/kg hạt sen tươi.

Giống sen Nhật cho đài to, hạt đều và chắc được nhiều người quan tâm.

Giống sen Nhật cho đài to, hạt đều và chắc được nhiều người quan tâm.

Trên trồng sen lấy hạt, phía dưới ông Tuân lại kết hợp nuôi cá chép ba máu, cá trôi bản địa và giống trai trai đồng. Vì vậy, mỗi năm, ông có thể thu hoạch được khoảng gần 10 tấn cá.

“Tôi ưu tiên làm sen sạch, chăn nuôi theo kiểu “thiên địch”, tức là cá ăn rong rêu, lá sen. Phân cá lại giúp nuôi cây sen tươi tốt. Hết vụ thu hoạch sen là thu được cá. Một công được hai ba việc”, ông Tuân nói.

Hạt sen sau khi thu hoạch đến đâu được thu mua, bao tiêu sản phẩm hết đến đó với giá cao.

Hạt sen sau khi thu hoạch đến đâu được thu mua, bao tiêu sản phẩm hết đến đó với giá cao.

Theo ông Tuân, làm sen không vất vả như cấy lúa bởi cây sen Nhật có thể cho thu hoạch sau khoảng 70 ngày cấy giống. Sau khi thu đài sen, khoảng cuối tháng 8 âm lịch có thể cắt lá để cung cấp, bán cho các đơn vị làm trà lá sen, trà giảm cân. Sau đó tháng 11 âm lịch bắt đầu thu hoạch cá.

“Thu hoạch cá xong thì tháo nước, phơi khô đất, đến tháng 1 âm lịch thì lại bơm nước vào, cày bừa ải đất để chuyển hóa phần lá, thân sen, củ sen thành phân hữu cơ. Ngoài ra, giống sen này chỉ xuống giống 1 lần nhưng có thể cho thu hoạch từ 7-10 năm mới phải trồng lại. Nhàn mà cho hiệu quả gấp nhiều lần trồng lúa”, ông Tuân nói.

Diện tích trồng lúa kém hiệu quả được thay thế bằng cánh đồng sen bạt ngàn.

Diện tích trồng lúa kém hiệu quả được thay thế bằng cánh đồng sen bạt ngàn.

Thấy trồng sen Nhật hiệu quả, một số hộ dân của các xã lân cận đã đến thăm quan mô hình và áp dụng tại địa phương mình. Đồng thời, lãnh đạo huyện Ủy, UBND huyện Phú Xuyên cũng đã về thăm quan và định hướng chỉ đạo mở rộng diện tích trồng sen tại xã Nam Triều và một số xã trong huyện Phú Xuyên.

Không những nhân rộng được mô hình trồng sen sạch tại địa phương, đến vụ thu hoạch sen, tổ hợp tác sản xuất sen sạch của ông Tuân còn tạo ông ăn việc làm cho khoảng 15 lao động địa phương, từ hái sen, tách hạt… với mức thu nhập từ 150-220.000 đồng/ngày.

Mỗi vụ sen, tổ hợp tác sản xuất sen sạch của ông Tuân tạo công ăn việc làm cho khoảng 15 lao động địa phương.

Mỗi vụ sen, tổ hợp tác sản xuất sen sạch của ông Tuân tạo công ăn việc làm cho khoảng 15 lao động địa phương.

Đến nay, tổ hợp tác do ông Tuân khởi xướng có 9 thành viên với diện tích trồng sen của xã lên 8,8ha, cho năng suất từ 30-40 tấn sen hạt, thu về khoảng 1,5 tỷ đồng/vụ.

Theo ông Tuân, tổ sản xuất sen sạch của ông cũng đang hoàn thiện hồ sơ để xây dựng sản phẩm OCOP. Ông cũng mong muốn tổ sản xuất của ông có thể mở rộng quy mô tại xã và liên kết với các xã trong huyện để sản xuất sen sạch, kết hợp với đơn vị thu mua, bao tiêu sản phẩm để xây dựng xưởng chế biến tại chỗ, nâng cao chất lượng và giá thành sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Nguồn: [Link nguồn]

Trồng sen trắng để bán không ngờ khách ùn ùn đến chụp ảnh, chủ đầm ”hốt bạc”

Trồng sen trắng để lấy hoa bán nhưng bỗng nhiên có đến 200-300 người đến chụp ảnh sen mỗi ngày nên anh Thọ không bán...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN