Thiếu hụt thịt lợn trầm trọng, Trung Quốc tạo ra lợn “siêu to khổng lồ”

Sự kiện: Kinh Doanh

Trong một trang trại ở khu vực phía nam Trung Quốc, người dân nơi đây nuôi những đàn lợn rất to, nặng như một con gấu bắc cực.

Những con lợn nặng tới 500 kg là một phần của kế hoạch nhân giống và lai tạo với mục đích tạo ra những con lợn khổng lồ. Khi giết mổ, một số con lợn có thể bán được hơn 10.000 nhân dân tệ (hơn 32 triệu VND), cao hơn ba lần so với thu nhập trung bình hàng tháng của một người dân ở Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) - nơi Pang Cong, chủ trang trại chăn nuôi nhưng con lợn siêu to này sinh sống.

Đàn lợn của Pang có thể là ví dụ về chiến lược những người nông dân ở Trung Quốc sử dụng để giải quyết vấn đề thiếu hụt nghiêm trọng thịt lợn trong thời gian gần đây. Những người nông dân hiện tại đều cho rằng “lớn hơn sẽ tốt hơn”, và lan rộng xu hướng chăn nuôi này ra khắp  Trung Quốc – đất nước tiêu thụ thịt lợn lớn nhất hành tinh.

Đàn lợn của Pang tại tỉnh Quảng Tây có cân nặng lên tới 500kg mỗi con (Nguồn: Bloomberg)

Đàn lợn của Pang tại tỉnh Quảng Tây có cân nặng lên tới 500kg mỗi con (Nguồn: Bloomberg)

“Giá thịt lợn duy trì ở mức cực kỳ cao ở tỉnh Cát Lâm đang khiến những người nông dân nuôi lợn tìm cách vỗ béo đàn lợn của mình đạt trọng lượng trung bình từ 175 kg đến 200 kg, lớn hơn trọng lượng bình thường là 125 kg. Họ nghĩ nuôi chúng càng to càng có lợi”, Zhao Hailin, một nông dân nuôi lợn trong khu vực nói.

Xu thế nuôi lợn “siêu tăng trưởng” hiện không chỉ giới hạn ở các trang trại nhỏ mà còn lan sang cả các tập đoàn chăn nuôi hàng đầu. Lin Guofa, một nhà phân tích cao cấp của công ty tư vấn Nông nghiệp Bric cho biết, các trang trại lớn đang tập trung vào việc tăng trưởng cân năng của đàn lợn lên ít nhất 14%.

Trọng lượng trung bình của lợn khi giết mổ tại một số trang trại quy mô lớn đã tăng lên tới 140 kg, so với khoảng 110 kg thông thường, Lin nói. Điều đó có thể thúc đẩy lợi nhuận hơn 30%.

Những giống lợn siêu trọng đang được nhân giống trong bối cảnh Trung Quốc gặp phải tình trạng khủng hoảng nguồn cung đối với loại thịt này. Dịch tả lợn châu Phi (AFS) hoành hành hơn 1 năm qua khiến đàn heo khoảng 500 triệu con ở Trung Quốc suy giảm quá phân nửa, gây ra khoảng trống nguồn cung thịt và đẩy giá thịt tăng 60-80% so với trước khi có dịch.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hu Chunhua cảnh báo rằng tình hình nguồn cung sẽ “cực kỳ nghiêm trọng” đến nửa đầu năm 2020. Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu 10 triệu tấn thịt lợn trong năm nay. Ông tiếp tục kêu gọi các địa phương tái đàn lợn càng sớm càng tốt, và đặt mục tiêu quay trở lại mức bình thường vào năm tới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm và đặc biệt chưa có vacxin hữu hiệu đối phó dịch tả nên nhiều nông dân vẫn cảnh giác với việc tái đàn sau khi bị thiệt hại nặng nề trước đó. Ngoài ra, giá lợn con và lợn nái sinh sản đã tăng mạnh, khiến cho các trang trại khó có khả năng để gây dựng lại công việc chăn nuôi. Tăng trọng lượng cho đàn lợn mà họ đang sở hữu có thể là bước tốt nhất để cải thiện tình trạng khủng hoảng hiện nay.

Không đủ thịt lợn để ăn, người dân Trung Quốc chuyển sang ăn thịt giả

Nhu cầu thịt giả của Trung Quốc đang tăng lên do những lo ngại về nguồn cung thịt lợn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Nguyễn (Theo Bloomberg) ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN