Bỏ việc lương cao về quê nuôi “chiến kê”, 9x Hải Phòng thu hàng trăm triệu đồng/tháng
Nhiều người tỏ ra tiếc nuối khi anh đang là một kỹ sư cơ khí, làm việc tại sân bay với mức lương cao, giờ lại về quê nuôi gà, làm nông dân, chỉ duy nhất mẹ anh ủng hộ.
Từng tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Cơ khí và làm kỹ thuật tại một công ty xây dựng hàng không, anh Vũ Văn Lực (SN 1990), trú tại thôn Kỳ Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thuỵ (Hải Phòng) lại quyết định xin nghỉ việc, về quê trước sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Anh Lực chọn tạm gác bằng Kỹ sư, về quê phát triển kinh tế từ dòng gà nòi Việt Nam.
“Bố tôi mất từ ngày tôi học cấp 3, mẹ ở quê một mình, đất đai rộng mênh mông làm không xuể nên khi anh trai tôi rủ về quê làm trang trại, tôi về luôn”, anh Lực nói.
Khi thấy hai anh em đều tốt nghiệp Đại học, có bằng kỹ sư, công việc đang ổn định lại rủ nhau về quê làm nông nghiệp thì nhiều người phản đối. Bởi vì bao công sức phấn đấu, học hành, thi cử lại bỏ hết về làm nông dân.
Mặc kệ mọi người nói ra nói vào, được sự ủng hộ của mẹ và anh trai, anh Lực bắt đầu cải tạo lại khu chuồng trại trước đây từng nuôi lợn rộng hơn 7.000m2 của gia đình để nuôi gà.
Khu chuồng trại trước đây nuôi lợn, giờ anh Lực về cải tạo lại để nuôi gà chọi.
“Từ ngày bé tôi đã thích nuôi gà chọi rồi. Trong nhà lúc nào cũng có vài con nuôi để chơi. Khi về quê, tìm hiểu kỹ thì thấy nuôi gà chọi hoàn toàn có thể làm giàu được khi nhu cầu của thị trường rất lớn”, anh Lực kể lại.
Năm 2016, anh Lực bắt đầu đi khắp nơi tìm mua dòng gà nòi Việt Nam về nhân giống. Lúc đầu, vốn ít, anh chỉ nuôi từ 2-3 đàn, mỗi đàn có 5 con trống và 1 con mái.
Anh lựa chọn kỹ càng những con gà có vẻ đẹp ngoại hình cho đến đòn lối để làm giống với giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng một con để về lai tạo, gây giống.
Những con gà chọi giống được anh chọn lọc, nhân giống để bán, chỉ bán gà trống và giữ lại gà mái.
Vừa nuôi chơi vừa trải nghiệm, thăm dò thị trường, anh Lực nhận thấy số lượng gà chọi nuôi được đến đâu có người mua hết đến đó nên anh ngày càng nhân rộng mô hình.
Theo anh Lực, gà chọi là giống gà nòi của Việt Nam, sức đề kháng tốt, khoẻ nên nếu chuồng trại nuôi được khử trùng tốt thì rất ít dịch bệnh.
Tuy nhiên, là giống gà rất thích “gây sự”, đến tuổi là chúng đánh nhau, nên khi gà con ấp nở ra, nuôi được khoảng 2 tháng thì phải tiến hành tách đàn, phân mỗi con ra một ô để tránh chúng đánh nhau đến chết.
Trang trại anh hiện tại luôn duy trì khoảng 1.000 con gà.
Trong quá trình nuôi, anh Lực ưu tiên việc cho gà mẹ ấp nở tự nhiên nhưng khi nuôi với số lượng lớn, để tránh hao hụt, anh tiến hành mua máy ấp.
“Thông thường mỗi con gà chỉ đẻ khoảng 9-10 trứng nhưng cũng có con đẻ tới 14-15 trứng. Những quả trứng đẻ lâu mà không được ấp ở nhiệt độ thích hợp sẽ bị thối, hỏng. Vậy nên tôi phải mua máy ấp cho đảm bảo”, anh Lực nói.
Với 200 ô chuồng nuôi gà chọi luyện chiến, 200 con gà đẻ và 100 con gà trống sinh sản, mỗi tháng trang trại của anh Lực cung cấp ra thị trường hàng trăm con gà chọi con với giá từ 500-600 nghìn đồng/con và hàng chục con gà chọi trưởng thành với giá từ 3-5 triệu đồng/con.
Riêng gà chọi trưởng thành, được luyện chiến thuần thục, biết cách đá, cách ra đòn… có giá lên tới hàng chục triệu đồng/con.
Gà chọi sau khi được huấn luyện sẽ có giá từ vài triệu đồng đến hàng chục triệu đồng/con.
Số lượng gà nuôi trong trang trại lúc nào cũng duy trì khoảng 1.000 con cả to lẫn nhỏ, vì vậy, để chủ động nguồn thức ăn cho gà, anh Lực tiến hành nuôi ruồi lính đen để lấy sâu canxi cho gà ăn.
Tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp tại gia đình và địa phương như đầu cá, xương cá, bã đậu, hoa quả thối hỏng, anh Lực tiến hành nuôi ruồi lính đen trên diện tích 1.000m2, thu được khoảng 1 tấn sâu canxi/tháng.
Mỗi tháng anh Lực thu được cả tấn sâu canxi để làm thức ăn cho gà và bán ra thị trường.
Lượng sâu canxi thu được vừa để nuôi gà, nuôi cá, vừa được anh Lực tiến hành sấy khô để cung cấp ra thị trường cho khách hàng có nhu cầu. Đồng thời, anh cũng mua thêm máy sấy, máy nghiền, máy trộn, máy nén cám viên để chế biến thức ăn sẵn cho gà từ sâu canxi, cá, rắn và một số nguyên liệu khác.
Anh Lực cho rằng, sâu canxi cho gà ăn sẽ giúp chúng có sức đề kháng cao, ít bệnh tật, chất lượng tốt hơn rất nhiều so với thức ăn công nghiệp mua bên ngoài. Chưa kể, việc tự nuôi sâu canxi, tự làm thức ăn dạng viên cho gà giúp anh tiết kiệm 2/3 chi phí mua thức ăn chăn nuôi so với trước kia.
Sâu canxi sấy khô được anh bán với giá 120 nghìn đồng/kg.
Không chỉ chủ động nguồn thức ăn cho hàng nghìn con gà chọi, anh Lực còn cung cấp ra thị trường mỗi tháng cả tấn sâu canxi và thức ăn cho gà các loại với giá từ 120-130 nghìn đồng/kg.
Mỗi tháng, anh Lực thu về từ 100-150 triệu đồng từ việc bán gà chọi và sâu canxi, thức ăn dạng viên cho gà chọi, trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 50%. Không những thế, trang trại của anh còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập cao.
Nguồn: [Link nguồn]
Các mẫu điện thoại "cục gạch" gần như đã vắng bóng khỏi các hệ thống bán lẻ. Điều này được dự báo sẽ còn gia tăng khi thời điểm tắt sóng 2G đang đến gần.