Vở kịch Phía sau tội ác: Bài học nỗi đau và thù hận

“Không thể hóa giải tội ác này bằng một tội ác khác. Đừng làm dịu nỗi đau của mình bằng nỗi đau của người khác. Đừng lấy sai lầm này để sửa chữa cho một sai lầm khác. Đừng để lòng thù hận bào mòn tâm hồn, giết chết con người” – đó là thông điệp ý nghĩa mà vở kịch mang lại.

Làng quê vốn yên bình bỗng sục sôi, náo loạn bởi những tên trộm chó. Trong một lần đuổi bắt những tên trộm chó, Nhân – một thanh niên hiền lành, chất phát đã bị chúng đâm chết trước ngày cưới hai ngày. Bất bình vì công an xã chưa tìm ra thủ phạm, Hậu (em trai Nhân – một sinh viên năm cuối) – mang ý định trả thù, đã cùng một số anh em lập ra đội chuyên đi lùng những tên trộm này. Trong một lần bắt được chúng, do đánh quá tay, Nhân và hai người khác đã giết chết một tên. Quá hoảng sợ, Nhân nghĩ ra cách dùng xăng tưới và đốt xác. Một cái chết kinh hoàng và ám ảnh…

Câu chuyện của Phía sau tội ác bắt đầu như thế.

Vở kịch Phía sau tội ác: Bài học nỗi đau và thù hận - 1

Bắt đầu bằng một câu chuyện đơn giản nhưng Phía sau tội ác đầy ám ảnh

Đề tài của vở kịch mang tính thời sự, ban đầu tưởng như hơi khô, đơn điệu và sợ rằng sẽ nhạt nhưng được tác giả Lê Chí Trung - Vương Huyền Cơ, đạo diễn Chánh Trực biến hóa, khiến nó trở thành một vở kịch gây xúc động đối với khán giả.

Vở kịch khai thác ở khía cạnh tâm lý, khắc họa nỗi đau đớn của người em mất anh, người vợ mất chồng sắp cưới, người mẹ mất con. Vừa mới đấy thôi, anh em Nhân – Hậu còn đứng đó, ôm chặt nhau trong tình cảm anh em sâu đậm, ấm áp; vừa mới đấy thôi Nhân – Duyên còn hồi hộp, vui mừng và háo hức nói về đám cưới, về những đứa con; vừa mới đấy thôi mọi người trong làng còn phân chia nhau người nấu cỗ, người làm cổng hoa… chuẩn bị cho đám cưới của Nhân – Duyên. Thế mà, chỉ trong tích tắc, tai họa xảy ra.

Nhân bị nhát dao oan nghiệt của một kẻ trộm chó, chết ngay trước mắt của vợ chưa cưới. Không gian đám ma được thay vào chỗ để chuẩn bị đám cưới. Vòng hoa cưới trở thành vòng hoa tang. Còn nỗi đau nào hơn như thế. Còn sự xót thương, tiếc nuối, ngậm ngùi nào hơn thế.

Vở kịch Phía sau tội ác: Bài học nỗi đau và thù hận - 2

Diễn xuất của NSUT Mỹ Uyên và Quý Bình nhận được nhiều lời khen

Vở kịch còn thể hiện sự dằn vặt, ám ảnh, hoang mang tột độ của Hậu và hai người bạn (tham gia vào vụ đánh, giết người). Ý nghĩ trả thù, lòng thù hận tưởng như được “trả xong” sau khi giết người, đốt xác, nhưng không, quá trình tự vấn, sự ám ảnh, sợ hãi sau đó; những giấc ngủ không trọn vẹn, những ám ảnh của bóng ma co quắp… mới thực sự đáng sợ. Có đôi khi, nó còn có sức “giết người” hơn cả một nhát dao hay cuộc sống trong tù. Chẳng thế mà, ông Cường, một trong hai người cùng tham gia với Hậu sau đó đã nói đại ý rằng: “Đầu thú đi, chứ cứ thế này có khi tao chết trước khi vào tù”.

Sự ám ảnh, dằn vặt ấy còn đến từ Duyên. Vô tình cô chứng kiến tội lỗi tày trời mà Hậu gây ra cô khuyên Hậu ra đầu thú. Nhưng Hậu sợ hãi chưa chịu, đẩy cô vào hai bờ giằng xé: vừa muốn báo cho công an biết, nhưng vì nghĩ đến Nhân, thương Hậu nên không thể…. Cô tuyệt vọng trong nỗi đau mất chồng sắp cưới và sự tự vấn lương tâm khi biết sự thật, biết thủ phạm gây tội ác mà không thể, không đành nói ra…

Vở kịch Phía sau tội ác: Bài học nỗi đau và thù hận - 3

Quý Bình ngày càng khẳng định diễn xuất của mình

Tất cả, nhằm làm nổi bật thông điệp xuyên suốt: “Không thể hóa giải tội ác này bằng một tội ác khác. Đừng làm dịu nỗi đau của mình bằng nỗi đau của người khác. Đừng lấy sai lầm này để sửa chữa cho một sai lầm khác. Đừng để lòng thù hận bào mòn tâm hồn, giết chết con người”.

Sự thu hút của vở kịch ngoài nội dung câu chuyện, ngoài tài đạo diễn thì không thể thiếu sự diễn xuất, thể hiện tâm lý nhân vật rất tốt của các diễn viên. Hẳn người xem sẽ không thể quên nỗi tuyệt vọng, ánh mắt nhìn thăm thẳm vô hồn của diễn viên Mỹ Uyên (trong vai Duyên) khi chứng kiến cái chết của người chỉ hai ngày nữa thôi sẽ là chồng; cái líu ríu tay chân, giọng nói lạc đi, biểu hiện vừa thương, vừa giận, vừa sợ hãi, hoang mang, bất lực, tiếng khóc của cô khi chứng kiến lỗi lầm của Hậu hay sự thương cảm, giọt nước mắt lăn dài khi nhìn mẹ của nạn nhân… Phía sau tội ác đã khẳng định thêm một lần diễn xuất có hồn, có chiều sâu tâm lý, chiều sâu cảm xúc và có nghề của NSƯT Mỹ Uyên.

Vở kịch Phía sau tội ác: Bài học nỗi đau và thù hận - 4

NSUT Việt Anh cũng mang đến những cảm xúc khó tả cho khán giả

Khán giả cũng “sẽ bị” diễn xuất ngày càng tinh tế, làm chủ sân khấu một cách thuyết phục, đầy đặn cảm xúc của diễn viên Quý Bình hấp dẫn. Sự diễn xuất ăn ý của anh và Mỹ Uyên đã tạo nên sức hút đặc biệt đối với khán giả.

Cái hài vừa đủ độ, vừa đủ duyên để làm khán giả có thể khi cười sảng khoái, khi cười ý nhị cũng là một điểm cộng cho vở kịch. Nhắc đến cái hài thì phải nhắc đến sự “duyên”, tung hứng khéo léo của NSƯT Việt Anh (trong vai Cường).  

Một đêm diễn dường như “vắt kiệt” sức của diễn viên. Họ khóc cùng nhân vật và làm không ít khán giả khóc theo số phận, diễn biến tâm lý, đau khổ của nhân vật. 

Thêm một chút yếu tố kinh dị, có lẽ là phần “thêm mắm thêm muối” để hút khách, nhưng thiết nghĩ, tự thân những sự hấp dẫn đến từ câu chuyện, diễn xuất có hồn của diễn viên… cũng đã đủ để khiến khán giả khóc, cười với vở diễn.

Phía sau tội ác đang diễn tại Nhà hát kịch sân khấu nhỏ (5B Võ Văn Tần, TP.HCM) với sự tham gia của NSƯT Việt Anh, NSƯT Mỹ Uyên, Quý Bình, Chánh Trực, Hồng Thắm, Lê Vinh…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vũ Yến ([Tên nguồn])
Kịch: Món ngon cho khán giả Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN