"Giáng Hương" của Thành Lộc: Nghệ sĩ cũng phải sống, phải có tiền

Giọt nước mắt của nam nghệ sĩ đã rơi trong đêm khai trương sân khấu kịch mới.

NSƯT Thành Lộc vừa thông báo khai trương sân khấu Thiên Đăng bằng vở kịch Giáng Hương do chính anh dàn dựng, dựa trên kịch bản Sân khấu về khuya của cố NSND Nguyễn Thành Châu (hay còn gọi là Năm Châu.

NSƯT Thành Lộc chia sẻ về sân khấu mới.

Nam nghệ sĩ xúc động bật khóc khi chia sẻ về sân khấu mới: "Hoạt động nghệ thuật của TP.HCM sẽ có thêm người em út vừa mới ra đời tên là Thiên Đăng. Việc chúng tôi có Giáng Hương - Sân khấu về khuya là một sự may mắn từ trên trời rơi xuống. Bởi vì tôi chưa từng dám nghĩ mình sẽ chạm được vào tác phẩm này của bác Năm Châu". Anh bày tỏ sự may mắn và lòng biết ơn khi được đạo diễn Hồng Dung, con gái cố NSND Năm Châu, cho phép anh dựng kịch bản Giáng Hương.

Chọn Giáng Hương làm vở kịch khai màn sân khấu mới, NSƯT Thành Lộc không chỉ đơn giản muốn tri ân cố soạn giả Năm Châu mà anh còn muốn khẳng định tình yêu nồng nàn với nghệ thuật, dù chết cũng phải chết trên thánh đường thiêng liêng.

"Giáng Hương" của Thành Lộc: Nghệ sĩ cũng phải sống, phải có tiền - 1

Lĩnh Nam (Thành Lộc) quyết định bỏ Giáng Hương (Lê Khánh), bỏ gánh hát cũ theo cô nhân tình Mỹ Tiên (Vân Trang).

Như cô đào hát Giáng Hương (Lê Khánh). Cô cố chấp giữ gìn nghệ thuật truyền thống, khăng khăng biểu diễn tác phẩm "Huyền Trân công chúa", hóa thân thành người đẹp tuổi 19 dù ngoài đời đã chớm già. Từ đó, Giáng Hương nảy sinh tranh cãi với ông xã kép chính kiêm soạn giả Lĩnh Nam (Thành Lộc). Cả hai vốn là cặp bài trùng nổi danh trong làng giải trí.

Tuy nhiên, đứng trước thời cuộc, Lĩnh Nam quyết định cải cách kịch bản, đi theo thị hiếu của một nhóm khán giả, bất chấp lời khuyên can của vợ. Thay vì "Huyền Trân công chúa", anh quyết định đổi thành kịch bản "Nữ hoàng hộp đêm". Vì nhân vật, soạn giả này bắt vợ phải tìm hiểu tâm lý cô gái "bán sương", vào công viên liếc mắt đưa tình cùng các chàng trai không quen biết.

"Tôi không phải là cô đào mà thiên hạ đổ xô đến xem ngực, xem mông", Giáng Hương đau khổ nói với chồng.

Thế nhưng, khi lòng người đã thay đổi thì khó có thể giữ lại. Đứng trước danh lợi phù hoa, Lĩnh Nam nhiều lần khẳng định với Giáng Hương: "Nghệ sĩ cũng phải sống, mà muốn sống thì phải có tiền". Vì thế, anh đã cương quyết ra đi theo tiếng gọi của cô nhân tình giàu có.

"Giáng Hương" của Thành Lộc: Nghệ sĩ cũng phải sống, phải có tiền - 2

Lĩnh Nam và Giáng Hương có quan điểm làm nghề trái ngược.

Khi bị vợ chỉ trích bội bạc, vô ơn với khán giả, khán giả là người quyết định đời tư của nghệ sĩ, Lĩnh Nam khẳng định: "Đời tư của tôi không bao giờ thuộc về công chúng. Công chúng không tạo ra tôi, cha mẹ tôi mới là người tạo ra tôi. Tên tuổi tôi do tôi gầy dựng nên bằng chính tài năng của tôi. Nhà lầu, xe hơi không phải do công chúng cho tôi mà đó là công sức lao động, mồ hôi nước mắt của tôi. Nếu chúng ta hay, công chúng ủng hộ. Nếu chúng ta dở, công chúng quay lưng. Không có ai ban ơn cho ai cả. Tại sao tôi yêu ai, lấy ai, chia tay ai phải chờ sự đồng thuận từ công chúng? Thật vô lý khi công chúng cho mình cái quyền lực đó".

Xuyên suốt vở diễn là những tranh cãi, giằng xé giữa hai quan điểm "nghệ thuật vì khán giả" hay "nghệ thuật vì bản thân". Đây cũng chính là thực tại nhức nhối của giới nghệ sĩ nói riêng và sân khấu nói chung. Một số tác phẩm có đầu tư, nội dung sâu sắc nhưng lại ít người xem hơn các vở diễn gây cười hời hợt nhưng quy tụ nhiều ngôi sao.

Những thăng - trầm, được - mất, những giọt nước mắt cứ lăn dài trên gò má Giáng Hương khi quyết định giữ gìn vở tuồng truyền thống, ngày đêm tập luyện để có tiết mục hay nhất phục vụ khán giả. Dù rằng có nhiều khoảnh khắc, cô đào hát lựa chọn cách trốn chạy và bỏ mặc tất cả. Nhưng tình yêu nghệ thuật, sự cổ vũ của khán giả hâm mộ đã giúp Giáng Hương vực dậy tinh thần, tỏa sáng hào quang khi đứng trên thánh đường sân khấu. 

Khoảnh khắc cuối vở, Giáng Hương bệnh nặng, gục ngã vẫn quyết định lên sân khấu hoàn thành lớp tuồng khiến khán giả nghẹn ngào xúc động.

Có thể nói, Giáng Hương qua sự biểu diễn của dàn nghệ sĩ gạo cội như Thành Lộc, Lê Khánh, Hữu Châu, Tuấn Khải, Vân Trang, Hương Giang… đã làm nức lòng người hâm mộ. Các bài bản Lý Phước Kiến, Kim Tiền Huế... được phối cùng các điệu nhạc sôi động một cách hòa quyện tạo cảm giác dễ nghe nhưng không kém phần sang trọng.

Chia sẻ về mối quan hệ giữa công chúng và người nghệ sĩ trong vở kịch, NSƯT Thành Lộc giải thích: "Tôi không để cho khán giả thấy Lĩnh Nam nói đúng. Lĩnh Nam nói đúng theo cách sống của Lĩnh Nam, nhưng quan điểm của Giáng Hương cũng có cái đúng theo cách sống của nhân vật này. Tuy nhiên, ở đây khán giả sẽ cảm thấy ai cũng có lý lẽ của mình. Khán giả sẽ là người suy nghĩ, quyết định mình cần phải làm gì. Bởi Giáng Hương và Lĩnh Nam đang nói về mối quan hệ giữa nghệ sĩ và công chúng. Và công chúng là người nghe hai quan điểm này thì họ sẽ thấy cái nào đúng hay chưa đúng".

Nguồn: [Link nguồn]

Việt Trinh: ”Nghệ sĩ phải biết ơn khán giả”

"Người đẹp Tây Đô" bày tỏ quan điểm về mối quan hệ giữa nghệ sĩ và khán giả gây chú ý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vi Đinh ([Tên nguồn])
Kịch: Món ngon cho khán giả Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN