Người mua ô tô trả góp cần làm gì để không bị ép mua bảo hiểm?

Sự kiện: Giá xe ô tô

Nếu người mua ô tô trả góp bị gây khó dễ, ép buộc mua bảo hiểm, khách hàng có thể liên hệ cơ quan có thẩm quyền quản lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực bảo hiểm và ngân hàng để giải quyết. 

Dù quy định không bắt buộc nhưng thực tế hiện nay nhiều người mua ô tô trả góp vẫn gặp tình trạng bị “ép” mua bảo hiểm, dẫn đến nhiều người không mặn mà với việc mua ô tô.

Trao đổi với PLO, Luật sư (LS) Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết về việc ép khách hàng mua bảo hiểm, tại điểm a khoản 3 Điều 53 Thông tư 67/2023 của Bộ Tài chính có quy định: Tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm phải giải thích cho bên mua bảo hiểm các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm là sản phẩm bảo hiểm. Việc tham gia sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của tổ chức hoạt động đại lý.

Đồng thời, tại khoản 5 Điều 15 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2024 sắp tới) cũng quy định: Cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng (NH) nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ NH dưới mọi hình thức.

“Như vậy, việc ép khách hàng mua bảo hiểm vật chất (bảo hiểm tự nguyện) khi vay mua ô tô trả góp là hành vi bị nghiêm cấm. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng người mua xe trả góp bị ngân hàng điều hướng vào những sản phẩm bảo hiểm mà họ không có nhu cầu”- LS Võ Đan Mạch nhấn mạnh.

Người mua ô tô trả góp cần làm gì để không bị ép mua bảo hiểm? - 1

Người mua ô tô trả góp cần làm gì để không bị ép mua bảo hiểm. (Ảnh minh hoạ)

Theo LS, khi bị ép mua bảo hiểm đính kèm gói vay, trước hết, khách hàng cần nắm vững các quy định nêu trên để đối chất với cán bộ tín dụng, đề nghị gặp lãnh đạo NH để trao đổi, giải quyết rõ ràng. Trong quá trình làm việc với NH, khách hàng nên khéo léo thu thập bằng chứng, ghi âm những lời “ép buộc” để làm chứng cứ rõ ràng, có cơ sở khiếu nại, đề nghị xử lý các trường hợp vi phạm.

“Nếu tiếp tục bị gây khó dễ, ép buộc, khách hàng có thể liên hệ đường dây nóng của NH Nhà nước để phản ánh sự việc; gửi Đơn khiếu nại (kèm theo chứng cứ chứng minh) đến Cơ quan Thanh tra giám sát (trực thuộc NH Nhà nước Việt Nam) hoặc Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (trực thuộc Bộ Tài chính) để được can thiệp kịp thời, bảo vệ quyền lợi của mình. Vì đây là các cơ quan có thẩm quyền quản lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực bảo hiểm và NH”- LS Mạch hướng dẫn.

Theo đó, LS chỉ ra, theo khoản 1 Điều 1 Quyết định số 20/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan Thanh tra, giám sát NH là đơn vị trực thuộc NH Nhà nước Việt Nam, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Thống đốc NH Nhà nước quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài, quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giám sát NH; giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiến hành thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và giám sát NH trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của NH Nhà nước theo quy định của pháp luật và phân công của Thống đốc NH Nhà nước.

“Đồng thời, theo Điều 1, khoản 6 Điều 2 Quyết định số 1799/QĐ-BTC ngày 11-9-2017 của Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm là đơn vị thuộc Bộ Tài chính, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm trong phạm vi cả nước; trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm theo quy định của pháp luật”- LS Mạch nói thêm.

Nguồn: [Link nguồn]

(PLO)- Thông tư 14/2022 quy định về bảo hiểm có bổ sung điều khoản quy đinh về thời hạn của bảo hiểm bắt buộc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THY NHUNG ([Tên nguồn])
Giá xe ô tô Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN