Đổ xô thi lái xe, học phí tăng

Lo ngại việc học và thi GPLX thời gian tới chặt chẽ hơn, nhiều người đổ xô đi học để “né” quy định mới, bất chấp mức học phí tăng cao hơn trước.

Nhiều người tỏ ra mệt mỏi khi đến nộp hồ sơ thi GPLX tại Trung tâm Sát hạch, đào tạo lái xe Koruco (TP Kon Tum) nhưng không được nhận do quá tải (Chụp ngày 19/2). Ảnh: Văn Tư

Nhiều người tỏ ra mệt mỏi khi đến nộp hồ sơ thi GPLX tại Trung tâm Sát hạch, đào tạo lái xe Koruco (TP Kon Tum) nhưng không được nhận do quá tải (Chụp ngày 19/2). Ảnh: Văn Tư

Mang cả chục bộ hồ sơ đi nộp

Có mặt tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Gia (TP HCM), trong vai một người muốn đăng ký học lái xe bằng B1, PV Báo Giao thông nhận được thông tin từ tư vấn viên cho biết, “tháng 3 đã hết khóa học, muốn học phải sang tháng 4, đến tháng 7 sẽ thi”. Đáng lưu ý, theo nhân viên này, học phí lên tới 20 triệu đồng/khóa thay vì 15 triệu đồng như trước kia.

“Chi phí đào tạo tăng. Các chi phí khác cũng tăng… nên trung tâm phải tăng giá”, nhân viên này cho biết.

Tại Trường Dạy lái xe Thống Nhất, không mấy ngạc nhiên khi câu trả lời mà PV nhận được là “đã hết khóa học. Muốn học phải chờ đến tháng 10 và học phí khoảng 12 triệu đồng/khóa”.

Tại các tỉnh miền Trung Tây Nguyên cũng trong tình cảnh tương tự khi người dân “đổ xô” đăng ký đi học lấy bằng lái ô tô. Anh N.Đ.N (phường Trường Chinh, TP Kon Tum) chia sẻ: “Thời gian tới, việc thi bằng lái xe ô tô hạng B2 sẽ khó hơn, học phí cũng cao hơn hiện tại rất nhiều lần. Do đó, mình tranh thủ thời gian đi học sớm để tránh việc nộp học phí cao”.

“Mình nghe nói bắt đầu từ ngày 1/5 nếu ai học bằng lái sẽ phải điểm danh bằng vân tay, trong phòng học có cài đặt camera giám sát. Học viên phải đi học đầy đủ và thi trên thiết bị mô phỏng trước khi thi thực hành. Ngoài ra, muốn thi bằng B2 phải học ròng rã 6 tháng trời, học phí tối thiểu từ 20 - 30 triệu đồng. Tranh thủ lúc chưa có gì thay đổi, mình đăng ký nộp hồ sơ đi học”, anh N. cho biết.

Sáng 27/2, PV có mặt tại văn phòng tuyển sinh của trường Cao đẳng GTVT TP HCM cơ sở 3 (số 256, đường Dương Đình Hội, phường Tăng Nhơn Phú, Q.9). Trên bảng niêm yết, giá học phí hạng B1, B2 được ghi 8,8 triệu đồng nhưng nhân viên tuyển sinh thông báo giá học phí là 9,3 triệu đồng. “Anh đăng ký ngay thì có khóa tháng 4 đến tháng 8 thi luôn. Học phí tăng do phải đầu tư trang thiết bị, dự kiến cuối năm còn tăng hơn”, nhân viên cho hay.

Sáng cùng ngày, tại văn phòng tuyển sinh trước cổng trường Đại học An ninh nhân dân (phường Linh Trung, Q. Thủ Đức) cũng có khá đông người đến tìm hiểu và nộp hồ sơ. Một nhân viên mời chào: “Học phí B2 tăng lên 15 triệu đồng, năm ngoái chỉ 10 triệu đồng, không đăng ký sớm tới đây giá còn cao hơn”.

Trong khi đó, ghi nhận tại Đồng Nai, Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Hải Vân (phường Long Bình, TP Biên Hòa) cũng vừa thay bảng niêm yết giá mới là 9 triệu đồng cho một khóa đào tạo thay vì 8 triệu đồng như năm 2019 và dự kiến còn tiếp tục điều chỉnh.

Thực tế này được ông Lê Văn Hướng, Giám đốc Trung tâm Sát hạch, đào tạo lái xe Koruco (Kon Tum) xác nhận khi thông tin: “Hiện tại trung tâm mới chuẩn bị khai giảng khóa 97 nhưng hồ sơ đã nhận đến khóa 102. Có hơn 350 hồ sơ đang chờ khai giảng, con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại”.

Tương tự, ông Tiêu Quang Tuyến, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Công nhân Kỹ thuật vận tải (Công ty CP Vận tải ô tô Kon Tum) cho biết, các năm trước, khoảng thời gian đầu năm chỉ có khoảng 150 người mua hồ sơ học. Thậm chí có thời điểm trung tâm phải đăng thông báo tuyển sinh nhưng vẫn thiếu học viên. Thế nhưng đầu năm nhưng lượng hồ sơ đăng ký học đã tăng lên 300 hồ sơ.

“Có người đến mang theo 4 - 5 bộ hồ sơ đăng ký học cho vợ, con, anh em. Đặc biệt có người mang đến nộp 10 bộ hồ sơ, nộp luôn cho cả đồng nghiệp, bạn bè”, ông Tuyến tiết lộ.

ại Quảng Bình, ông Đào Hoài Linh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật công - nông nghiệp cho biết, học viên của trung tâm đã phủ kín đến tháng 6/2020. Phủ nhận thông tin học phí học lái xe sẽ tăng lên đến 20 - 30 triệu đồng trong thời gian tới, ông Linh nói: “Do việc đầu tư thêm cơ sở hạ tầng và thiết bị nên học phí có tăng lên. Tuy nhiên, không có chuyện tăng gấp 2 - 3 lần như thông tin trên mạng. Dự tính như ở trường, nếu tăng cũng chỉ từ 10 - 20% mức học phí hiện tại”.

Đánh giá về thực trạng này, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, tuy chưa có số liệu tổng hợp cụ thể nhưng qua nắm bắt tại các Sở GTVT, nhu cầu đào tạo lái xe năm nay tăng cao so với cùng kỳ. Cơ sở vật chất của các trung tâm chỉ đáp ứng trong điều kiện bình thường, trong thời gian ngắn tăng đột biến chắc chắn dẫn đến ùn học viên phải chờ đợi.

Đưa học phí về giá trị thật

Camera được lắp đặt ở sân sát hạch của Trường Trung cấp Nghề Bình Minh, Quảng Bình. Ảnh: Văn Thanh

Camera được lắp đặt ở sân sát hạch của Trường Trung cấp Nghề Bình Minh, Quảng Bình. Ảnh: Văn Thanh

Trao đổi với Báo Giao thông, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Thanh cho rằng, trước đây, do phải cạnh tranh nên nhiều trung tâm đào tạo lái xe ô tô đưa ra mức giá 3 - 5 triệu đồng trọn gói cho việc đào tạo. Tuy nhiên, trong quá trình học, học viên phải đóng thêm nhiều khoản chi phí khác, dẫn tới chi phí thực để có tấm bằng bị đội lên gấp 2 thậm chí gấp 3 lần.

Đồng quan điểm, ông Trần Văn Toản, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Đào tạo, sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) cho biết, trước đây, nhiều trung tâm vì cạnh tranh nên chỉ đưa ra mức giá 3 - 4 triệu đồng cho khóa đào tạo bằng B2. Trong quá trình học họ lại thu thêm tiền của học viên. Đến nay, các trung tâm đang dần điều chỉnh mức học phí về giá trị thật theo yêu cầu đầu tư và quản lý chứ không phải tăng giá. Bắt buộc các trung tâm phải điều chỉnh giá để phù hợp với mức chung.

“Học phí học lái xe hàng chục năm nay chưa có sự thay đổi. Mức học phí tăng lên 10 - 15 triệu đồng cũng là phù hợp với chi phí nhân lực, xăng dầu tăng cao để nâng cao chất lượng đào tạo”, ông Toản nói.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trung tâm Đào tạo lái xe Lạc Hồng (Hà Nội), thời lượng chương trình đào tạo không có thay đổi, chỉ khác là các trung tâm phải đầu tư cabin tập lái, thiết bị mô phỏng, camera giám sát... Chi phí mua sắm thiết bị cùng với thuê đường truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ VN mất cả tỷ đồng. Khi các trung tâm đầu tư trang thiết bị cùng với giám sát chặt học lý thuyết và thực hành, chắc các trung tâm sẽ phải tăng mức học phí, tất cả học viên sẽ phải gánh chịu.

Trước đây, do có sự cạnh tranh không lành mạnh, hầu hết các trung tâm phải giảm giá để thu hút học viên. Để tồn tại, hầu hết các trung tâm phải đối phó, không dạy đủ chương trình, nhất là số km thực hành trên đường theo quy định. Vì vậy mới có giá cho một khóa học GPLX hạng B2 chỉ có 5 - 6 triệu đồng. Theo ông Dũng, nếu tính tổng các chi phí xăng dầu, trả lương cho giáo viên sẽ mất khoảng 250.000 đồng/h. Nếu học sinh học đủ trung bình là 100 giờ sẽ mất khoảng 25 triệu đồng/khóa học.

Để tạo nên một mặt bằng giá thật, cạnh tranh một cách lành mạnh, chi phí thật, chất lượng thật, ông Dũng cho rằng, cần có cơ chế quản lý về học phí đào tạo, có thể quy định cứng học viên nộp cho trung tâm 5 triệu đồng và thống nhất trên toàn quốc mức giá khoảng 250.000 đồng/giờ học. Tất nhiên, cơ quan quản lý cần có nghiên cứu, đánh giá trước khi đưa ra mức giá chung phù hợp.

Khẳng định Nhà nước không quản lý về giá đào tạo lái xe mà giao cho các cơ sở đào tạo tự xây dựng mức giá, sau đó công bố công khai và báo cáo cơ quan quản lý, ông Lương Duyên Thống cho biết, căn cứ vào các quy định về cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn giáo viên và định mức về tiêu hao nhiên liệu, chế độ chi tiêu tài chính, các cơ sở đào tạo xây dựng và quyết định mức thu học phí cụ thể đối với từng hạng GPLX chi tiết theo từng học phần báo cáo Bộ chủ quản, UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được ủy quyền để theo dõi.

“Các cơ sở này chịu trách nhiệm về quyết định ban hành mức thu và quản lý học phí của đơn vị. Mức thu học phí của cơ sở đào tạo lái xe phải xây dựng ổn định tối thiểu cho 1 khóa đào tạo, trừ trường hợp phải điều chỉnh do giá xăng, dầu theo quy định tại Thông tư liên tịch số 72/2011”, ông Thống cho biết thêm.

Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN)
Hết tình trạng “móc ngoặc” cắt xén chương trình đào tạo

Chương trình đào tạo lái xe các hạng GPLX trong Thông tư 38 cơ bản vẫn giữ ngyên như trước đây. Thông tư chỉ bổ sung ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo để người học tiếp cận được với các tình huống giao thông thực tế. Bên cạnh đó sẽ giám sát được chặt chẽ quá trình đào tạo, học viên sẽ phải học đầy đủ chương trình lý thuyết và số km lái xe trên đường, khắc phục tình trạng giáo viên và học viên “móc ngoặc” bớt chương trình đào tạo. Chất lượng đào tạo, kỹ năng lái xe của học viên sau khi được cấp GPLX sẽ được nâng cao.

Ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX (Sở GTVT TP HCM)
Phạt nghiêm trung tâm tăng học phí quá cao

Theo báo cáo của các cơ sở đào tạo lái xe, cho đến thời điểm này, các cơ sở đào tạo lái xe có tăng học phí, tuy nhiên mức tăng không đáng kể, dao động ở mức trên dưới 10 triệu đồng đối với hạng B2.

Trường hợp có trung tâm nào tăng học phí vượt quy định, phòng sẽ xin ý kiến sở để kiểm tra, xử phạt.

Chất lượng đào tạo học viên dù trong thời điểm nào vẫn phải đảm bảo. Không phải cứ học viên đăng ký nhiều, các trường thu nhận nhiều. Việc thu nhận học viên phải có chỉ tiêu, do vậy không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Nguồn: [Link nguồn]

Xe Trung Quốc Geely bán chạy như tôm tươi vì có khả năng chống virus

Xe SUV Trung Quốc Geely chính thức bán ra thị trường mẫu SUV có tên gọi Icon và được trang bị hệ thống làm sạch không...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm PV ([Tên nguồn])
Kỹ năng lái xe ô tô Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN