Lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản mùa Covid-19 ngày càng tinh vi

Sự kiện: Kinh Doanh Virus Corona

Nhiều hình thức lừa đảo mới nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng đã được các đối tượng xấu tung ra trong mùa dịch Covid-19.

Để tạo thuận lợi cho khách hàng tránh phải đi lại hay tập trung ở những nơi đông người trong mùa dịch Covid-19, các ngân hàng đã đưa ra những chương trình nhằm khuyến khích khách hàng giao dịch bằng phương thức online. Tuy nhiên, lợi dụng điều này, nhiều hình thức lừa đảo mới nhằm đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng đã được các đối tượng xấu tung ra.

Theo đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) thông báo có một số đối tượng thông qua các website, mạng xã hội giả mạo, lợi dụng thương hiệu của nhà băng này để tiến hành thu thập, đánh cắp thông tin khách hàng.

Danh sách trang web lừa đảo được VietinBank cảnh báo tới các khách hàng - Ảnh VietinBank

Danh sách trang web lừa đảo được VietinBank cảnh báo tới các khách hàng - Ảnh VietinBank

Ngân hàng Vietinbank cũng lên tiếng cảnh báo về việc các đối tượng lừa đảo gửi email, tin nhắn có nội dung liên quan đến dịch Covid-19 như lời khuyên phòng bệnh, gây quỹ cho "nạn nhân" của dịch bệnh. Các email, tin nhắn lừa đảo trên yêu cầu người dùng truy cập vào đường link đính kèm.

Đại diện Ngân hàng Vietcombank cũng cảnh báo thời gian gần đây, trên internet xuất hiện nhiều website giả mạo nhằm lấy cắp thông tin sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử, từ đó chiếm đoạt tiền trên tài khoản ngân hàng của khách hàng.

Cảnh báo của Ngân hàng Sacombank cũng cho hay, đối tượng lừa đảo thường gửi tin nhắn có chứa "mã trúng thưởng" kèm đường link giả mạo với tên miền có gắn tên của ngân hàng để đánh lừa khách hàng. Chiêu thức thường dùng của những đối tượng này là giả danh cán bộ ngân hàng thông báo khách hàng đã trúng thưởng theo chương trình của ngân hàng hoặc khách hàng nhận được tiền từ nước ngoài về.

Đặc điểm chung được các đối tượng sử dụng nhằm lừa đảo là yêu cầu chủ tài khoản truy cập vào đường link đính kèm, và cung cấp các thông tin về tên truy cập, mật khẩu truy cập, mã OTP, thông tin thẻ hoặc các thông tin cá nhân khác để xác nhận. Khi truy cập hoặc chỉ nhấp chuột mở email, tin nhắn, thiết bị của người dùng có khả năng đã bị mã độc xâm nhập và đánh cắp thông tin cá nhân.

Bằng hình thức lừa đảo tinh vi này, vào ngày 30/1 vừa qua, bà Hồ Thị Đoan Trang (ngụ phường Phú Mỹ, quận 7) đã bị "bốc hơi" tổng cộng 54 triệu đồng trong tài khoản mở tại Ngân hàng Eximbank. Bà Trang cho biết mất tiền khi click vào một đường link do đối tượng lừa đảo gửi tới điện thoại để thanh toán tiền đặt cọc cho lô hàng mua của bà.

Trước hiện tượng lừa đảo qua tin nhắn, email, mạng xã hội,… nhắm vào khách hàng thời gian gần đây, đại diện các ngân hàng đã lên tiếng cảnh báo. Các ngân hàng khẳng định không cung cấp bất cứ hình thức đăng ký, sử dụng dịch vụ trực tuyến nào đến khách hàng thông qua việc gửi tin nhắn, thư điện tử, website, mạng xã hội.

Ngân hàng cũng không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu trong bất kỳ tình huống dưới bất kỳ hình thức nào như gọi điện, nhắn tin, chat hoặc email.

Để bảo mật thông tin và tài sản cá nhân, các nhà băng khuyến cáo khách hàng chỉ đăng nhập vào địa chỉ internet banking duy nhất của ngân hàng. Không truy cập, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP) cho bất kỳ ai. Không mở email được gửi từ những địa chỉ email lạ, không truy cập vào đường link lạ.

Để đảm bảo an toàn cho tài khoản trực tuyến, các ngân hàng khuyên khách hàng cần thường xuyên thay đổi mật khẩu truy cập dịch vụ ngân hàng trực tuyến (tối thiểu định kỳ 3 tháng/lần).

Không sử dụng mật khẩu có chứa thông tin mang tính cá nhân mà người khác dễ dàng suy đoán như ngày tháng năm sinh, số điện thoại, biển số xe, tên bản thân, tên của người thân như vợ chồng/con, dãy số liên tục đơn giản…

Không chỉ các ngân hàng, Bộ Công an đã phát đi thông báo cảnh báo người dân về việc các đối tượng tội phạm giả danh các tổ chức tín dụng giả mạo tin nhắn thương hiệu để chiếm đoạt tài sản.

Theo Bộ công an, thời gian qua đã có nhiều người dân bị các đối tượng phạm tội dùng thủ đoạn giả mạo tin nhắn thương hiệu (SMS Brand Name) để chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn.

Nguy hiểm hơn là các tin nhắn giả mạo này lại được lưu trữ cùng thư mục với các tin nhắn thương hiệu “thật” của các ngân hàng trên điện thoại di động của người dùng. Do đó, người dân, khách hàng của các ngân hàng sẽ rất dễ nhầm tưởng đây là thông báo chính thức từ các ngân hàng.

Khi người dân truy cập vào đường dẫn trong nội dung tin nhắn, hệ thống sẽ tự động hiển thị một trang web giả mạo, có giao diện, logo tương tự các website chính thức của ngân hàng và được yêu cầu điền các thông tin như: tên đăng nhập, mật khẩu, mã OTP.

Khi có được các thông tin, các đối tượng sẽ kiểm soát được tài khoản chuyển tiền trực tuyến và thực hiện được các hành vi như: chuyển khoản, mở thấu chi, đăng ký vay online… Theo Bộ công an, đây là thủ đoạn hoàn toàn mới, tinh vi, cần được người dân nhận biết, quan tâm, nâng cao cảnh giác để tự bảo vệ tài sản của chính mình.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngân hàng “ngấm đòn” Covid-19

Các ngân hàng chịu tác động bởi dịch Covid-19 do hàng trăm nghìn tỷ đồng đang cho các doanh nghiệp vay vốn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN