Tổng giám đốc IMF nói Nga có thể vỡ nợ vì các lệnh trừng phạt

Nga có thể vỡ nợ vì các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ, nhưng điều đó sẽ không gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva khẳng định ngày 13/3.

Logo của IMF. (Ảnh: Reuters)

Logo của IMF. (Ảnh: Reuters)

Trả lời trên chương trình “Face The Nation” của đài CBS, bà Georgieva nói rằng các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và đồng minh thực hiện đang gây tác động “nghiêm trọng” lên kinh tế Nga và sẽ gây ra một cuộc suy thoái sâu trong năm nay.

Bà cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt sẽ gây tác động lan toả đáng kể lên những nước láng giềng phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga, và đã gây ra một làn sóng người tị nạn giống như đã xảy ra trong Thế chiến thứ hai.

Bà Georgieva cho biết các lệnh trừng phạt đang hạn chế Nga tiếp cận các nguồn lực của mình và xử lý các khoản nợ, nghĩa là vỡ nợ không còn được coi là “điều không thể xảy ra”.

Khi được hỏi rằng việc vỡ nợ đó có châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính khắp thế giới hay không, bà nói: “Hiện tại thì không”.

Tổng nợ của các ngân hàng Nga là khoảng 120 tỷ USD, mức được đánh giá là không quá lớn.

Khi được hỏi liệu Nga có thể tiếp cận khoản 1,4 tỷ USD quỹ khẩn cấp mà IMF đồng ý cấp cho Ukraine từ tuần trước nếu Mátxcơva chiến thắng và lập ra chính phủ mới ở Kiev hay không, bà Georgieva khẳng định khoản tiền này nằm trong tài khoản đặc biệt, chỉ Chính phủ Ukraine được quốc tế thừa nhận mới có thể tiếp cận.

Năm ngoái, IMF không cho Taliban tiếp cận khoản tiền dành cho Afghanistan sau khi lực lượng này giành được quyền kiểm soát chính phủ ở Kabul với lý do chính phủ mới không được cộng đồng quốc tế công nhận.

Tuần trước, bà Georgieva cho biết IMF sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 xuống 4,4% vì hệ luỵ của cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, bà cho rằng xu thế tổng thể của kinh tế thế giới vẫn là tích cực.

Bà cho rằng tăng trưởng ở các nước như Mỹ vẫn mạnh mẽ khi đang phục hồi trong giai đoạn hậu COVID-19.

Bà Georgieva cho rằng tác động chủ yếu của cuộc xung đột là đẩy giá cả hàng hoá và lạm phát tăng, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đói và mất an ninh lương thực ở nhiều khu vực của châu Phi.

Nguồn: [Link nguồn]

Các ngân hàng khổng lồ đối mặt nguy cơ “bốc hơi” trăm tỷ USD tại Nga

Goldman Sachs và JPMorgan Chase là những ngân hàng lớn đầu tiên của phương Tây rút khỏi Nga sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine. Nguy cơ các thực thể Nga vỡ nợ và khả năng phải...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN